Theo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp nhà nước đã tung ra hơn 22.000 tỷ đồng để đầu tư ngoài ngành, chủ yếu là chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư và ngân hàng.
Theo Nghị quyết 15/2014/NQ-CP, trong năm 2014, nhiều ngành sẽ phấn đấu để hoàn thành kế hoạch thoái vốn 50% đầu tư ngoài ngành, trong đó thoái vốn 100% khỏi lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán. Cụ thể, tháng 8-2014, Tập đoàn Công nghiệp than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) và CTCK Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHS).
Dự kiến trong năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) sẽ thoái vốn hoàn toàn khỏi Ngân hàng TMCP Đại Dương (khoảng 20% vốn điều lệ). Từ nay đến cuối năm 2014 thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến hàng loạt vụ thoái vốn của nhiều tập đoàn lớn, như Tập đoàn Dệt may (Vinatex) thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB); Tập đoàn Bảo Việt (BVH) thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Bảo Việt; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (PG Bank).
Nếu các ngân hàng nằm trong kế hoạch thoái vốn của các tập đoàn, các công ty tài chính lại nằm trong kế hoạch thâu tóm của các tổ chức tín dụng. Hiện các ngân hàng đang săn mua lại các công ty tài chính và xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến trong năm 2014.
Chẳng hạn, SHB xin phép cổ đông mua lại CTCP Tài chính Vinaconex-Viettel; Maritime Bank trở thành cổ đông lớn nhất của CTCP Tài chính Dệt may Việt Nam (giữ 64,1% cổ phần); Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) mua Công ty Tài chính Vinacomin… Theo phân tích của CTCK VPBank, động cơ chính của làn sóng M&A này đến từ Nghị định 39/2014/NĐ-CP của Chính phủ cho phép các công ty tài chính cung cấp dịch vụ ngân hàng về phát hành thẻ tín dụng, huy động vốn và cho thuê tài chính.
Theo đó, các ngân hàng có thể tận dụng kênh này để cung cấp các sản phẩm bán lẻ và tiện ích thanh toán. Bên cạnh đó, việc lãi suất cho vay, chủ yếu cho vay tiêu dùng, của các công ty này thường cao hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay của ngân hàng (trung bình 35% mỗi năm), thậm chí lãi suất trong những trường hợp đặc biệt có thể lên đến 60%/năm, hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng.
Yếu tố quan trọng khác là các doanh nghiệp nhà nước được yêu cầu phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong năm 2014 và 2015. Đây là thời điểm vàng cho các ngân hàng mua lại cổ phần của các công ty tài chính từ doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, nợ xấu sẽ là gánh nặng đối với các ngân hàng tiếp quản công ty tài chính, vì lãi suất cao rủi ro tín dụng đi kèm cũng tăng theo. Theo NHNN chi nhánh TPHCM, tính đến cuối năm 2013, các công ty tài chính và cho thuê tài chính báo cáo tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong ngành tài chính, lần lượt ở mức 21,96% và 37,53%.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo saigondautu.com.vn)