Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thăm và làm việc tại BHXH Hà Nội

Ngày 15/05/2014, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã có buổi làm việc với BHXH thành phố Hà Nội. Cùng đi có lãnh đạo một số ban nghiệp vụ của BHXH Việt Nam.

Ha Noi 160514.JPG
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc


Đạt được nhiều kết quả

Tại buổi làm việc, Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Phương Mai báo cáo với Thứ trưởng, Tổng Giám đốc tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trên địa bàn Thủ đô.

Năm 2013, thu BHXH, BHYT, BHTN là 18.064 tỷ đồng, đạt 101,26% so với kế hoạch giao; tính đến ngày 09/05/2014 số thu BHXH, BHYT, BHTN là 6.454 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch giao. Năm 2013, BHXH Thành phố đã phát triển mở rộng được 4.396 đơn vị, (tăng 5,2% so với năm 2012), với 33.786 lao động (tăng 2,3% so với năm 2012). Trong 04 tháng đầu năm 2014, đã mở rộng phát triển được 1.385 đơn vị với 12.041 lao động. Đồng thời, BHXH Thành phố kịp thời cấp sổ BHXH, đổi và gia hạn thẻ BHYT cho người lao động, đảm bảo quyền lợi theo đúng quy định. Hiện nay BHXH Thành phố có 4.707.949 thẻ BHYT đang trong hạn sử dụng, chiếm khoảng 68,7% dân số Thủ đô.

BHXH Hà Nội là địa phương có số lượng chi trả lớn nhất cả nước (riêng đối tượng hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng là 506.249 người) công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH luôn được BHXH thành phố Hà Nội quan tâm, đảm bảo an toàn, chính xác, kịp thời. Năm 2013, tổng số tiền chi trả là 20.065,7 tỷ đồng; 04 tháng đầu năm 2014, tổng số tiền chi trả là 8.136,2 tỷ đồng. Công tác giải quyết chế độ BHXH đảm bảo đúng đối tượng, đúng mức hưởng theo quy định của pháp luật, về cơ bản đã đảm bảo tiến độ thời gian. Trong năm 2013, giải quyết chế độ cho 53.788 đối tượng thụ hưởng. Trong 04 tháng đầu năm 2014, giải quyết chế độ cho 9.546 lượt đối tượng thụ hưởng. Năm 2013, ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với 208 cơ sở Y tế; chi trả 3.306 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT với 6.983.226 lượt; cân đối được Quỹ BHYT và có kết dư. Riêng quý I/2014, có 1,5 triệu lượt khám và điều trị, với chi phí gần 600 tỷ đồng.

BHXH TP Hà Nội cũng rất chú trọng đến công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân.  Năm 2013, BHXH thành phố Hà Nội đã thực hiện được 1.001 đợt kiểm tra, thanh tra. Trong đó, BHXH Thành phố kiểm tra 592 đơn vị sử dụng lao động; 43 đại lý thu, đại diện chi trả, yêu cầu các đơn vị nộp tiền nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền trên 380 tỷ đồng, xuất toàn hoàn trả quỹ BHXH với tổng số tiền 242 triệu đồng; Phối hợp thanh tra liên ngành tại 158 đơn vị sử dụng lao động, xử phạt vi phạm hành chính về BHXH 09 đơn vị với số tiền là 223.950.000 đồng; thu hồi hơn 43 triệu đồng chi sai chế độ ngắn hạn. Phối hợp cùng Thanh tra thành phố (Tổ thu hồi nợ) thực hiện thanh tra tại 69 đơn vị sử dụng lao động, sau thanh tra các đơn vị đã nộp 26,2 tỷ đồng; tiến hành lập hồ sơ khởi kiện đối với 134 đơn vị nợ đọng BHXH với số tiền nợ BHXH là 158,2 tỷ đồng, thu hồi được 19,4 tỷ đồng. Năm 2013, BHXH TP đã tiếp nhận 1.058 lượt công dân và giải quyết, trả lời 302 đơn thư của các tổ chức, cá nhận gửi đến, đảm bảo kịp thời, không để tồn đọng.

Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính

Thực hiện “Năm kỷ cương hành chính”, BHXH Thành phố đã chủ động tham mưu, đề xuất UBND Thành phố cho phép thực hiện dự án “Đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin cho bộ phận “một cửa” của BHXH Thành phố và BHXH các quận, huyện, thị xã”. Đến nay, phần mềm “Một cửa điện tử” đã thực hiện được việc “Tiếp nhận – thụ lý – trình ký – trả kết quả” các hồ sơ thủ tục hành chính, luân chuyển hồ sơ giữa các phòng, bộ phận nghiệp vụ với BHXH các quận, huyện theo một quy trình khép kín. Từ đó phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành về tiến độ giải quyết hồ sơ của từng cán bộ thụ lý hồ sơ, trả lời kết quả và góp phần công khai, minh bạch hóa quy trình giải quyết chế độ, chính sách BHXH,BHYT. Kết quả năm 2013, đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết cho 500 nghìn lượt hồ sơ của các đơn vị sử dụng lao động, người lao động. Tình trạng giải quyết hồ sơ chậm đã giảm nhiều.

BHXH Thành phố đã chủ động nghiên cứu, xây dựng đề tài khoa học “Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn chế độ, chính sách BHXH, BHYT qua hệ thống tổng đài 1080, hệ thống tin nhắn SMS và hộp thư thoại 801xxxxx-VNPT”.  Đã đưa vào ứng dụng thực tế phát huy được hiệu quả, bước đầu tạo lòng tin, thói quen của người dân và các đơn vị sử dụng lao động trong việc tiếp xúc với các thông tin, dịch vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Tăng cường công tác phối hợp

BHXH thành phố Hà Nội cũng đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện chuẩn bị nội dung để UBND thành phố Hà Nội báo cáo Đoàn giám sát của Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật BHYT giai đoạn 2009-2012 trên địa bàn Hà Nội; tham mưu Thường vụ Thành ủy ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định 3380/QĐ-UBND TP ngày 23/5/2013 thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 538/QĐ-TTg và trình UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012 -2015 và 2020.

BHXH TP đã chủ động tham mưu để UBND Thành phố ban hành các Quyết định : Quyết định số 3380/QĐ-UBND  ngày 23/5/2013 về thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 538/QĐ-TTg và  Kế hoạch thực hiện Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020” ; Quyết định số 6827/QĐ-UBND ngày 12/11/2013 về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn Thành phố Hà Nội, hỗ trợ 100% mức đóng BHYT từ ngày 01/01/2014.

BHXH TP Phối hợp với các ngành ký quy chế phối hợp thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Y tế; Sở Tài chính; Liên đoàn lao động Thành phố; Công an Thành phố…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, BHXH thành phố Hà Nội cũng báo cáo với Thứ trưởng, Tổng Giám đốc những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện ở cơ sở, đó là tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT với số lượng lớn ở một số nơi có xu hướng gia tăng; năm 2013, tổng số nợ BHXH, BHYT là 1.103 tỷ đồng (chiếm 6,1% tổng số phải thu). Tính đến hết tháng 04/2014 tăng lên là 1.413 tỷ đồng; đối tượng tham gia BHXH, BHYT đạt kết quả chưa cao so với tiềm năng của Thành phố; Bộ Y tế chưa phân hạng bệnh viện tư nhân nên vướng mắc trong việc áp giá thanh toán…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và quận, huyện của BHXH thành phố Hà Nội cũng phản ánh những khó khăn, vướng mắc và có những kiến nghị, đề xuất trong việc thực hiện nhiệm vụ. Những kiến nghị của BHXH TP tập trung vào khoanh nợ BHXH, việc thi hành án, chi trả lương hưu, trợ cấp qua thẻ ATM, việc khấu trừ nợ qua tài khoản ngân hàng, phần mềm kế toán,…  Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam đã trao đổi, giải đáp các ý kiến; đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ giúp BHXH thành phố Hà Nội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả BHXH thành phố Hà Nội đã đạt được trong thời gian qua. Tổng Giám đốc nhấn mạnh, Hà Nội là địa bàn Thủ đô, có mật độ tập trung dân số lớn, kinh tế – xã hội phát triển. Đây vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn cho BHXH thành phố Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ.

BHXH TP có đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có trình độ cao với trên 90% là đại học, sau đại học và luôn được sự quan tâm của Thành ủy, UBND Thành phố. Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng còn thấp so với tỷ lệ dân cư lớn; tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT còn cao; số doanh nghiệp lớn khó quản lý, kiểm tra…

Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH thành phố Hà Nội cần phải chú trọng hơn nữa vào việc nâng cao tinh thần văn hóa ứng xử với nhân dân và người lao động, để nâng cao hình ảnh của Ngành BHXH; quan tâm công tác phát triển mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT; tích cực giảm nợ đọng, đảm bảo quản lý khám, chữa bệnh BHYT hiệu quả hơn; chủ động báo cáo, tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố kịp thời chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, đặc biệt vấn đề trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và có lộ trình tương thích với việc thực hiện Chính phủ điện tử.

Tổng Giám đốc ghi nhận những đề xuất của BHXH Hà Nội và yêu cầu các ban nghiệp vụ quan tâm giải quyết những vướng mắc, khó khăn, tồn tại nhằm tạo điều kiện cho BHXH thành phố Hà Nội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển của Ngành./.

PV

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.