Cùng với việc mở rộng diện bao phủ, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách an sinh cũng là thách thức và là mục tiêu trọng tâm để hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội trong tương lai.
Từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) có hiệu lực thi hành (1/1/2007), số người tham gia BHXH đến nay đã gấp 1,62 lần. Tương ứng với số người tham gia tăng lên thì số thu cũng tăng nhanh qua các năm. Chỉ tính riêng số thu của BHXH bắt buộc thì năm 2014 so với năm 2007 đã tăng gấp 3,6 lần.
Theo các lãnh đạo của BHXH Việt Nam tại Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển ngành BHXH, thay đổi trên xuất phát từ nguyên nhân mức lương tối thiểu được nâng lên, do đó mức đóng bảo hiểm cũng tăng. Cùng với đó là công sức “đốc thu” của cả hệ thống BHXH Việt Nam với nhiều biện pháp ráo riết.
Ảnh minh họa
TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ sung, một trong những thành tựu quan trọng của BHXH là cải cách thủ tục hành chính có những bước tiến vượt bậc.
Tính đến cuối tháng 8/2014, từ 263 thủ tục đã giảm xuống còn 114 thủ tục, trong đó có 12 thủ tục liên quan đến việc thu, cấp sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) ở tất cả các cấp. Các bước làm thủ tục đã đơn giản hơn nhưng lại chặt chẽ, hiệu quả hơn. Do đó, thời gian dành cho việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến BHXH đã cắt giảm tới khoảng 119 giờ.
Dù đạt được những thành công như vậy, song vẫn có không ít thách thức đang đặt ra để nâng cao chất lượng của ngành bảo hiểm. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc hàng tháng nắm chắc số lượng, cơ cấu người tham gia BHXH để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; phát triển và bảo toàn quỹ luôn là thách thức đối với toàn ngành BHXH.
Đơn cử như BHYT hiện mới có 50% lao động phi chính thức, 70% người cận nghèo và 30% hộ gia đình tham gia. Quỹ BHYT đang chiếm khoảng 1/3 ngân sách Nhà nước dành cho y tế và xấp xỉ 50 – 60% ngân sách dành cho khám chữa bệnh. Dự báo, nguồn tài chính dành cho y tế qua Quỹ BHYT sẽ chiếm 50 – 60% và cho công tác khám chữa bệnh sẽ tới 80 – 90% vào năm 2015.
Để đạt được những mục tiêu này, ngành BHXH đã đặt ra nhiệm vụ tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT. Theo đó, tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%, mở rộng các nhóm đối tượng để đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia BHYT, đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT.
Đồng thời, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, song phải giảm tỷ lệ chi tiêu y tế trực tiếp từ tiến túi của hộ gia đình xuống dưới 40% vào năm 2020. Cùng với đó đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia; từng bước đổi mới cơ chế tài chính theo hướng đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng dịch vụ y tế thông qua hình thức hỗ trợ tham gia BHYT, bảo đảm cân đối thu – chi quỹ BHYT.
Cùng với việc mở rộng diện bao phủ, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả của các chính sách an sinh cũng là thách thức và là mục tiêu trọng tâm để hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội trong tương lai. Với BHYT, theo ông Bùi Sỹ Lợi, phải nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bằng BHYT, giảm gánh nặng về chi phí y tế cho người nghèo để mọi người dân có thể tiếp cận và thụ hưởng chính sách tốt hơn.
Với bảo hiểm hưu trí, cần tiếp tục cải thiện mức lương hưu để đảm bảo cuộc sống khi về già, tính bền vững của hệ thống bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam trong dài hạn. Với bảo hiểm thất nghiệp, đó là yêu cầu nâng cao khả năng tái hòa nhập thị trường lao động của người lao động sau khi thất nghiệp…
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo thoibaonganhang.vn)