Số liệu vừa được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính công bố cho thấy, 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 11.052 tỷ đồng, tăng trên 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông có thấy bất ngờ với mức tăng trưởng khá ngoạn mục này của thị trường trong bối cảnh kinh tế chưa khởi sắc mạnh mẽ?
Tôi không ngạc nhiên khi chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục này, bởi tốc độ tăng trưởng và phát triển của ngành bảo hiểm nhân thọ khác hẳn với những lĩnh vực kinh doanh khác.
Có một thực tế là thường trong những thời điểm khó khăn, người dân sẽ trở nên ý thức hơn về sự cần thiết của bảo hiểm nhân thọ và chính điều này đã góp phần làm tăng doanh số của cả ngành. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đều đạt được mức tăng trưởng cao trong năm nay.
Thị trường vẫn tiếp tục bị chi phối bởi 5 hay 6 doanh nghiệp, những doanh nghiệp chiếm tới khoảng 80% doanh số khai thác hợp đồng mới.
Hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu luôn gia tăng doanh số bán hàng mới trong nửa đầu năm và điều này đã chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng mức tăng trưởng toàn ngành.
Ông có nghĩ tốc độ tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì đến hết năm 2014? Thị trường sẽ gặp những thách thức nào trong thời gian tới?
Tôi không rõ lắm về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bạn. Nhưng với AIA, tôi tự tin rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì sự phát triển mạnh mẽ dựa trên kinh nghiệm và thành công đã có trong những năm qua. Ước tính, 6 tháng đầu năm 2014, phí bảo hiểm mới quy năm của AIA Việt Nam tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tỷ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của người dân Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các quốc gia khác, nên chặng đường phía trước vẫn còn rất dài.
Tuy nhiên, thay vì suy đoán sự phát triển của thị trường trong năm nay, tôi muốn nhấn mạnh đến những bước phát triển đáng chú ý của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong vòng 12 tháng vừa qua.
Đó là việc Bộ Tài chính ban hành các quy định về bảo hiểm hưu trí cũng như sự gia nhập sân chơi bảo hiểm nhân thọ Việt Nam của một số công ty bảo hiểm nước ngoài mới.
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy sự phát triển về quan hệ đối tác mới giữa các công ty bảo hiểm và ngân hàng, cụ thể là thỏa thuận quan hệ hợp tác chiến lược độc quyền trong thời gian gần đây. Nói chung, đã có nhiều hoạt động thú vị xảy ra và hầu hết đều là những tin tức tích cực cho ngành bảo hiểm nhân thọ.
Cùng với việc phát triển mô hình tổng đại lý, thời gian gần đây, gần như tất cả các công ty bảo hiểm đều tập trung phát triển kênh bancassurance, dù kênh phân phối này mới chỉ mang lại một phần doanh thu phí bảo hiểm rất nhỏ/tổng doanh thu. Ông có cho rằng “trào lưu” này có thể tạo ra một kết quả tốt đẹp cho thị trường?
Tại Việt Nam, hiện hình thức phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thông qua ngân hàng vẫn đang gặp nhiều thách thức. Mặc dù tình hình kinh doanh vẫn ghi nhận những kết quả khả quan trong thời gian qua, nhưng mức đóng góp của kênh phân phối này vào tổng doanh thu của toàn ngành vẫn còn tương đối thấp. Hệ thống đại lý bảo hiểm nhân thọ vẫn là lực lượng đóng góp chủ yếu trong việc khai thác các hợp đồng bảo hiểm mới.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, điều này sẽ thay đổi, đặc biệt đối với số đông các khách hàng ngân hàng đang ngày càng trở nên quen thuộc với phương thức mà bảo hiểm có thể kết hợp bổ sung với các giao dịch cùng sản phẩm ngân hàng.
Ngoài ra, sự liên tục tái cơ cấu và củng cố sức mạnh tài chính của các ngân hàng cũng đang gia tăng thêm niềm tin của khách hàng vào hệ thống ngân hàng hiện nay. Những yếu tố này chắc chắn sẽ mang lại tác động tích cực về sự phát triển của kênh phân phối bancassurance tại Việt Nam.
Dù tham gia bảo hiểm nhân thọ với mục đích tiết kiệm hoặc bảo vệ thì các khách hàng vẫn nên dành ưu tiên cho những kế hoạch tài chính cá nhân. Hiện người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng có ý thức và tích cực tìm kiếm thông tin về các giải pháp bảo hiểm có thể thay đổi phù hợp với những yêu cầu về kế hoạch tài chính của họ.