Năm 2013 có 12 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam như Nari, Wutip, Haiyan…Theo thống kê, bão lũ làm chết, mất tích 265 người, 12.000 ngôi nhà sập đổ, hơn 30.000 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng… tổng thiệt hại về kinh tế là 25.000 tỷ đồng và các DNBH đã phải bồi thường hàng trăm tỷ đồng.
Thị trường bảo hiểm tài sản năm 2013 chỉ tăng trưởng 15%, đạt doanh thu phí 3.000 tỷ đồng, trong khi đó tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ này cũng tăng cao so với cùng kỳ. Hiện nhiều giải pháp đang được đưa ra, trong đó có việc sớm đưa ra một chương trình bảo hiểm thảm họa thiên tai cho các DNBH, kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận.
Tăng trưởng trong khó khăn
Năm 2013, thị trường bảo hiểm tài sản gặp không ít khó khăn, nhu cầu bảo hiểm tài sản của các tổ chức kinh tế – xã hội giảm mạnh cả về số lượng lẫn giá trị hợp đồng bảo hiểm. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động cầm chừng chỉ lựa chọn những rủi ro trọng yếu để mua bảo hiểm như: Cháy nổ, lụt, bão…hoặc mua bảo hiểm theo quý, trong khi đó tình trạng nợ phí bảo hiểm vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp sản xuất khiến doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) lao đao.
Vụ cháy nhà máy Diana, DNBH bồi thường tổn thất 15 triệu USD. Ảnh: T.L |
Đặc biệt, trong năm 2013, việc khai thác bảo hiểm các dự án mới còn hạn chế, hầu như chỉ tập trung vào việc tái tục hợp đồng cũ. Theo lãnh đạo một DNBH phi nhân thọ hàng đầu thì tình hình tổn thất trên thị trường bảo hiểm tài sản năm 2013 diễn biến theo chiều hướng xấu, ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của DNBH, nhiều vụ tổn thất lớn với số tiền bồi thường lên đến hàng chục triệu USD.
Điển hình như vụ cháy nổ của Công ty Theodore Alexander có mức bồi thường là 10 triệu USD, vụ cháy Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (13 triệu USD), Công ty Meiko Alexade (32,6 triệu USD), Diana (15 triệu USD), cháy tổng kho Sacombank Warehouse (2 triệu USD)…
Bên cạnh đó, tổn thất do thiên tai gây ra rất lớn, năm 2013 có 12 cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam như Nari, Wutip, Haiyan…Theo thống kê, bão lũ làm chết và mất tích 265 người, 12.000 ngôi nhà sập đổ, hơn 30.000 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng… ước tính tổng thiệt hại về kinh tế là 25.000 tỷ đồng và mỗi DNBH đã phải bồi thường hàng trăm tỷ đồng sau các vụ tổn thất do thiên tai.
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều DNBH bên cạnh việc đẩy mạnh công tác bồi thường giúp doanh nghiệp và người dân sớm ổn định sản xuất đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ, trong đó tập trung quản lý chất lượng rủi ro trước khi cấp đơn bảo hiểm.
Một số DNBH đã chủ động “nói không” với bảo hiểm có độ rủi ro lớn như gỗ, hóa chất…, giám sát chặt chẽ quy trình bồi thường…, giúp thị trường bảo hiểm tài sản có được mức tăng trưởng 15% trong năm 2013, đạt doanh thu phí là 3.000 tỷ đồng.
Dẫn đầu thị trường bảo hiểm tài sản là PVI đạt 660 tỷ đồng, tiếp đến là Bảo Việt đạt 440 tỷ đồng, Bảo Minh đạt 427 tỷ đồng, PJICO 204 tỷ đồng …
Giải pháp nâng cao quản trị rủi ro
Trước tình hình bão, lũ, thiên tai đang diễn ra ngày một khó lường, trong khi đó Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai. Lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam khuyến cáo, năm 2014, các DNBH cần kiểm soát chặt rủi ro, đánh giá đúng và đủ dự phòng bồi thường cho rủi ro thiên tai để đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, các DNBH không nên coi bảo hiểm thiên tai chỉ như là một điều khoản khuyến mại, được bảo vệ tự động trong hợp đồng bảo hiểm hoặc nếu có tính phí thì cực kỳ thấp, điều này rất nguy hiểm, nếu thảm họa thiên tai lớn xảy ra thì đây thực sự là khó khăn của chính DNBH và của toàn ngành. DNBH cũng cần phải tách bạch bảo hiểm thiên tai với các loại hình bảo hiểm khác, tính đủ phí để bảo hiểm cho những thảm họa (lũ, lụt, bão,…) và phải tái bảo hiểm ra nước ngoài nhằm san sẻ bớt gánh nặng bồi thường trong trường hợp thiên tai lớn xẩy ra.
Lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) cho biết, hiện Vinare đang phối hợp cùng với các nhà môi giới tái bảo hiểm, công ty tái bảo hiểm quốc tế để nghiên cứu một chương trình bảo hiểm thảm họa thiên tai cho các DNBH nói riêng và thị trường bảo hiểm nói chung. Nếu dự án được triển khai sẽ mang lợi ích cho DNBH, giúp thị trường bảo hiểm tăng trưởng tốt hơn.
Lãnh đạo các DNBH phi nhân thọ cũng cho biết, thời gian tới doanh nghiệp sẽ tập trung kiểm soát rủi ro và đẩy mạnh ký kết hợp đồng với các nhóm có rủi ro thấp hơn như khách sạn, cao ốc văn phòng cho thuê, mở rộng bảo hiểm cho các dự án mới…, tránh tình trạng hạ phí, cạnh tranh phi kỹ thuật.
“Nếu tiếp tục để tình trạng cạnh tranh phi kỹ thuật diễn ra, các nhà tái bảo hiểm quốc tế sẽ nâng phí, đưa ra thêm nhiều khoản trong hợp đồng mà họ nhận tái, gây bất lợi cho DNBH gốc, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nghiệp vụ bảo hiểm tài sản”, một vị lãnh đạo DNBH chia sẻ./.