Theo Điều 34, Dự thảo sửa đổi Thông tư 124, tiêu chuẩn và sử dụng chuyên gia tính toán dự phòng và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp chuyên kinh doanh bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài được quy định: phải là thành viên chính thức của Hiệp hội Các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế hoặc có 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ/bảo hiểm sức khỏe và có tối thiểu 2 chứng chỉ tính phí bảo hiểm do một trong các hiệp hội tính phí bảo hiểm được thừa nhận rộng rãi…
Trao đổi với ĐTCK về nội dung này, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cho rằng, sẽ rất khó cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, bởi thị trường không có đủ actuary để các doanh nghiệp bảo hiểm tuyển dụng. Hiện nay, các phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tự thống kê và tính phí dựa vào kinh nghiệm từ các thị trường khác, mức phí của nhà tái bảo hiểm, hay mức phí của thị trường…
Trong phần đóng góp ý kiến vào dự thảo Thông tư 124 sửa đổi (lần rà soát cuối cùng), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) cũng cho rằng, quy định về tiêu chuẩn chuyên gia tính phí và dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ như dự thảo Thông tư là quá khắt khe, tương đương với quy định về actuary của khối nhân thọ.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện có 17 doanh nghiệp bảo hiểm đang còn thiếu và yếu về số lượng actuary. Trong khi đó, Việt Nam chưa có tổ chức nào cung cấp dịch vụ actuary. Số lượng doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 100% vốn Việt Nam chiếm hơn 50% không có điều kiện tiếp xúc, tuyển chọn được actuary đủ tiêu chuẩn và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Vì vậy, có thể sẽ xảy ra tình trạng lôi kéo actuary từ doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hoặc phi nhân thọ khác bằng chế độ đãi ngộ lương bổng, tạo ra sự hụt hẫng và khó tuyển dụng người thay thế đối với các đơn vị bị mất người.
Theo AVI, thực tế hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ không phức tạp như nhân thọ và sức khỏe dài hạn, bởi thời gian bảo hiểm ngắn (thường trong khoảng 1 năm) và không có dồn tích phí bảo hiểm, dồn tích rủi ro. Mỗi năm, doanh nghiệp bảo hiểm đều có thể đánh giá được kết quả triển khai sản phẩm (phí thu được, bồi thường, hiệu quả kinh doanh) để phát hiện những sai sót trong định phí bảo hiểm, trích lập dự phòng (cao hay thấp) để điều chỉnh.
Bên cạnh đó, tính cạnh tranh trong bảo hiểm phi nhân thọ và phân biệt đối xử với đối tượng bảo hiểm và khách hàng tham gia bảo hiểm rất rõ ràng. Nếu bảo hiểm nhân thọ chỉ tuân thủ biểu phí, quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm, không phân biệt theo đối tượng được bảo hiểm và khách hàng tham gia bảo hiểm (trừ độ tuổi và thời hạn bảo hiểm), thì trong bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm có chính sách với từng nhóm khách hàng khác nhau (có nhiều năm tham gia bảo hiểm, có nhiều năm không xảy ra tổn thất, lựa chọn mức khấu trừ cao hoặc mở rộng phạm vi bảo hiểm…).
Hơn nữa, phí bảo hiểm còn phụ thuộc vào thị trường nên buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải cạnh tranh hạ phí bảo hiểm đúng kỹ thuật bằng giảm các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp hoặc tăng hiệu quả đầu tư tài chính từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm.
Ngoài ra, cách quản lý nhà nước về sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay tuân thủ theo cơ chế thị trường: khuyến khích cạnh tranh mang lại nhiều quyền lợi cho khách hàng (trừ hạ phí mở rộng điều khoản, điều kiện gây lỗ nghiệp vụ), nên sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ chỉ phải đăng ký (chậm nhất là 15 ngày sau tháng liền kề triển khai sản phẩm), với mẫu báo cáo sản phẩm bảo hiểm mới triển khai rất đơn giản.
Chính vì vậy, AVI đề xuất nên quy định tiêu chuẩn chuyên gia tính phí và trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ và sức khỏe ngắn hạn cần ở mức thấp hơn bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe dài hạn, với điều kiện có bằng cử nhân kinh tế; có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong hạch toán, kế toán, thống kê tại doanh nghiệp bảo hiểm; có chứng chỉ đào tạo tại 1 tổ chức đào tạo định phí bảo hiểm trong và ngoài nước.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo tinhnhanhchungkhoan.vn)