Thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) và phi nhân thọ Việt Nam đang chứng kiến sự thâu tóm “vũ bão” và gia tăng sức mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp trong nước lại tìm cách cạnh tranh nhau theo kiểu… cò con.
Nhiều “tân binh” nhân thọ
Liên tiếp từ đầu năm đến nay, thị trường BHNT đã liên tục chào đón những tên tuổi mới. Mở màn là sự kiện Tập đoàn Bảo hiểm nhân thọ của Nhật Bản Sumitomo Life mua lại toàn bộ 18% cổ phần (giá 340 triệu USD) của Công ty HSBC Insurance tại Công ty Bảo hiểm Bảo Việt.
Sau Sumitomo Life, thị trường chứng kiến sự xuất hiện của công ty BHNT thứ 15 là PVI Sun Life. Đây là liên doanh giữa Tập đoàn Sun Life (Canada) và Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI).
Trong khi các “tân binh” xuất hiện thì các doanh nghiệp BHNT hiện hữu có nhiều động thái khẳng định thế mạnh. Trong đó, Công ty Generali Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 720 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng sau gần hai năm hoạt động.
Công ty BHNT Prudential Việt Nam công bố một khoản Bảo tức Tích lũy Đặc biệt trị giá 760 tỷ đồng cho các khách hàng có hợp đồng tham gia chia lãi đã gắn bó nhiều năm với Công ty, đồng thời tăng lãi suất cho một số sản phẩm bảo hiểm tích lũy.
Công ty BHNT Dai-ichi Life chỉ trong tháng 6 đã đưa vào hoạt động 12 văn phòng chi nhánh, tổng đại lý trong cả nước, nâng số văn phòng sau 6 năm hoạt động tại Việt Nam lên 103.
Dù kinh tế vẫn chưa hết khó khăn nhưng thị trường BHNT vẫn phát triển tốt. Số liệu của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm 2013, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 9.155 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2012. So với các nước, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng cho ngành BHNT.
Báo cáo chỉ số lạc quan về đầu tư do Tập đoàn Manulife thực hiện vào quý I/2013 cho thấy, tại các thị trường phát triển ở châu Á, nhà đầu tư đang nắm giữ phần lớn tài sản dưới dạng tiền mặt và đây là tiềm năng chưa được khai thác. Ông Robert A.
Cook, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Manulife châu Á, cho rằng, xét ở góc độ đầu tư, không nơi nào hấp dẫn hơn khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bởi thế mà trong thời gian tới, sẽ còn rất nhiều công ty BHNT mới ra đời. Hiện tại, Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) đang trong kế hoạch đàm phán với các đối tác tiềm năng để hợp tác thành lập liên doanh BHNT mới, dự kiến ra mắt trong cuối năm nay.
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đang thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty CP Bảo hiểm nhân thọ Phú Hưng, chi nhánh Công ty Seoul Guarantee Insurance (Hàn Quốc) tại Việt Nam.
Quy mô đối đầu phá giá
Công ty CP Bảo hiểm AAA vừa chính thức thông báo việc bà Đỗ Thị Kim Liên đã rút toàn bộ vốn khỏi công ty dưới hình thức bán cổ phần cho Tập đoàn Insurance Australian Group (IAG) của Úc. Thực ra, việc IAG thâu tóm cổ phần của AAA không mới, nhưng bất ngờ ở chỗ bà Liên lại bán toàn bộ cổ phần của mình lúc này và đồng thời từ chức Chủ tịch HĐQT.
Theo đó, bà Liên bán hết hơn 30% cổ phần tại AAA cho IAG, nâng tỷ lệ sở hữu của tập đoàn này tại Công ty từ 30% lên 60,9%, chính thức chuyển AAA thành một thành viên của IAG tại Việt Nam.
Nhìn lại con đường thâu tóm của IAG mới thấy cách làm của tập đoàn này vừa âm thầm, vừa quyết liệt. IAG mới chỉ gia nhập AAA từ tháng 6/2012 sau khi mua 30% cổ phần phát hành thêm với mức giá công bố là 20 triệu USD. Ngay sau đó, IAG cử 4 đại diện tham gia vào HĐQT của AAA.
Đến tháng 3/2013, bà Đỗ Thị Kim Liên tuyên bố nghỉ hưu và nhường lại ghế Tổng giám đốc AAA cho ông Jon Delalande (người đại diện của IAG), nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT. Do vậy, việc bà Liên chính thức từ nhiệm Chủ tịch HĐQT đã “mở đường” cho việc bầu ông Justin Paul Breheny (đại diện của IAG) làm Chủ tịch mới.
Trong cơ cấu cổ đông của AAA, hiện hầu hết là các doanh nghiệp nước ngoài với IAG, BankInvest (Đan Mạch), Tập đoàn Tái Bảo hiểm Aon Benfied, Tập đoàn Assist – Card International (Thụy Sĩ), International Medical Group (IMG)…
Trong khi một thương hiệu bảo hiểm phi nhân thọ lớn của Việt Nam đã chính thức rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài sau 8 năm thành lập, nhìn lại hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, điều thấy rõ nhất là sự cạnh tranh đang rất không lành mạnh, điển hình là việc bán phá giá.
Từ đầu năm đến nay, hình ảnh các điểm bán bảo hiểm xe máy giá rẻ thi nhau tràn xuống đường không còn hiếm, đặc biệt là tại TP.HCM. Theo đó, giá bán bảo hiểm chỉ còn 40.000 đồng (giá gốc là 66.000 đồng) đối với bảo hiểm (BH) bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy và 15.000 đồng (giá gốc 20.000 đồng) cho BH tự nguyện dành cho người ngồi trên xe.
Hình thức bán bảo hiểm mới mẻ này có sự tham gia của hầu hết các tên tuổi: Tổng công ty CP BH Quân đội, Tổng công ty CP BH Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Tổng công ty CP BH Bưu điện, Tổng công ty CP BH Petrolimex, Công ty CP BH Viễn Đông, Công ty CP BH Hàng không…
Trả lời về việc bán bảo hiểm trái quy định này, ông Huỳnh Việt Khoa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty CP BH Bưu điện – PTI, đại diện phía Nam, cho biết, Tổng công ty quy định bảo hiểm xe máy (BHXM) bắt buộc phải bán đúng giá 66.000 đồng theo quy định của Bộ Tài chính.
PTI cũng có nhiều văn bản gửi đến các đơn vị trực thuộc yêu cầu phải thực hiện việc bán BH đúng quy định. Về hình thức phân phối bán dạo BHXM, các đại lý “linh động” thực hiện, Tổng công ty không quy định hình thức bán.
Còn việc bán giá thấp hơn quy định, ông Khoa cho rằng do đại lý tự ý giảm phần chiết khấu mà mình được hưởng, tìm mọi cách bán nhiều để được doanh số cao (cộng với các sản phẩm khác) để được thưởng doanh số cuối năm.
Doanh nghiệp thì “chối” trách nhiệm, đại lý thì vẫn cứ tiếp tục bán, trong khi đó Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, việc đại lý bán phá giá BH do hoa hồng cho đại lý được quy định rất cao. Chi phí hoa hồng cho đại lý khoảng 30%, cộng thêm chi phí lương khoảng 10%, nên dù hạ giá bán các đại lý vẫn không bị lỗ.
Hồng Nga
Bảo Hiểm Bảo Việt