Bất chấp những khó khăn do suy thoái kinh tế và các điều chỉnh chiến lược kinh doanh của các tập đoàn tài chính – bảo hiểm hàng đầu thế giới trong mấy năm qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Chia tay…
Thời gian qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã chứng kiến những cuộc “chia tay” của nhiều tập đoàn tài chính – bảo hiểm lớn. Cách đây không lâu, một tập đoàn tài chính Hàn Quốc tìm đến thị trường bảo hiểm phi nhân thọ rồi lặng lẽ rút lui. Trước đó, Tập đoàn New York Life (Mỹ) và Bảo hiểm Allianz (Pháp) cũng có động thái tương tự… Và mới đây nhất là sự kiện HSBC Insurance thoái vốn khỏi Tập đoàn Bảo Việt. Tuy nhiên, các chuyên gia nước ngoài đều nhận định, việc “đi hay ở” này của các tập đoàn bảo hiểm lớn ở Việt Nam không phải là điều gì quá nghiêm trọng và có rất nhiều nguyên nhân, chứ không hẳn do Việt Nam giảm sức hấp dẫn.
Các chuyên gia cũng khẳng định, việc các tập đoàn tham gia hay rời bỏ một số thị trường phụ thuộc vào những ưu tiên chiến lược dài hạn của họ hơn là sự biến động của thị trường trong ngắn hạn. Chẳng hạn, cách đây không lâu, sự kiện Tập đoàn New York Life “rút quân” không hẳn vì lý do suy thoái kinh tế như nhiều dự đoán mà thực ra ở thời điểm đó, Tập đoàn này muốn tập trung vào những thị trường lớn hơn, trong đó có Trung Quốc.
Hay như trường hợp HSBC Insurance rút vốn khỏi Tập đoàn Bảo Việt mới đây, đại diện của HSBC Insurance khẳng định không liên quan tới kết quả kinh doanh tại thị trường Việt Nam cũng như việc lãi lỗ của khoản đầu tư dài hạn mà đây chỉ là một phần trong kế hoạch điều chỉnh chiến lược toàn cầu của HSBC (thời gian qua, HSBC cũng đã thoái vốn tại 14 công ty khác trên toàn cầu – PV).
Thậm chí, đại diện của HSBC Insurance còn khẳng định: “Đầu tư vào Tập đoàn Bảo Việt là thương vụ thành công của HSBC” bởi thông qua việc hợp tác với Tập đoàn Bảo Việt, thương hiệu của HSBC đã được biết đến ở Đông Nam Á và thị trường tiềm năng như Việt Nam. Điều này cho thấy, quan điểm “lỗ lãi” trong hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư ngoại không đơn thuần là những con số vô hồn mà còn phải tính đến những giá trị vô hình khác, đặc biệt là mức độ nhận biết thương hiệu tại các thị trường mới.
… Và tìm đến
Suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến cho chiến lược mở rộng kinh doanh của các tập đoàn tài chính – bảo hiểm. Tuy nhiên, trong mắt các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn và tiềm năng.
Mới đây, Tập đoàn Generali đã chứng tỏ cam kết hoạt động lâu dài cũng như tầm nhìn dài hạn vào tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam với việc tăng vốn điều lệ từ 720 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng. Đây là đợt tăng vốn điều lệ lần thứ ba của Generali Việt Nam, kể từ khi chính thức hoạt động tại Việt Nam vào tháng 4/2011.
Được biết, tới đây, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xem xét cấp giấy phép cho một số nhà đầu tư nước ngoài để thành lập doanh nghiệp (DN) bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm và văn phòng đại diện tại Việt Nam. Riêng trong năm nay sẽ có thêm ít nhất 2 công ty bảo hiểm nhân thọ mới: 1 công ty 100% vốn của một tập đoàn tài chính ngân hàng Australia và 1 công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), trong đó, đối tác của BIC có thể là một tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới và không đến từ châu Á.
LÀ CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC
Doanh Nghiệp
|
Vốn Điều Lệ Tại Thời Điểm 31/12/2012 (Triệu Đồng)
|
Tỷ Lệ Nắm Giữ Vốn Của Cổ Đông Sở Hữu Trên 20% Vốn Điều Lệ
|
||
Tên cổ đông
|
Tỷ lệ nắm giữ | |||
Bảo Minh
|
755.000
|
SCIC
|
50,7%
|
|
PJCO
|
699.544
|
Petrolimex
|
51%
|
|
PTI
|
503.957
|
VNPT
|
36%
|
|
BIC
|
660.000
|
BIDV
|
82%
|
|
Vinare
|
1.008.276
|
SCIC
|
40,36% |
Nguồn: Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính)
Theo nhiều chuyên gia tài chính, để giảm thiểu rủi ro từ việc thâm nhập một thị trường mới, một trong những cách tiếp cận phổ biến là hợp tác với các đối tác trong nước. Điều này sẽ giúp các đối tác nước ngoài tích lũy kinh nghiệm, cũng như hiểu rõ hơn về thị trường và thực tiễn của địa phương.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, hợp tác với đối tác trong nước là cách thức tiếp cận của không ít tập đoàn tài chính – bảo hiểm quốc tế khi quyết đầu tư vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, cụ thể: Tập đoàn IAG (Australia) “bắt tay” với Bảo hiểm AAA; Tập đoàn tài chính – bảo hiểm Sun Life Financial (Canada) ký hợp đồng hợp tác với Công ty cổ phần PVI để thành lập PVI Sun Life. Trước đó, Vietinbank và Tập đoàn Bảo hiểm Aviva (Anh) liên doanh thành lập Bảo hiểm Nhân thọ Vietinbank Aviva…
Mới đây nhất, Sumitomo Life (Nhật Bản) đã bỏ ra gần 340 triệu USD tiền mặt để mua 18% cổ phần Tập đoàn Bảo Việt từ HSBC Insurance, bất chấp không ít dự báo về những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính – bảo hiểm trong thời gian tới. Đại diện của Sumitomo Life khẳng định họ không thành lập công ty riêng mà muốn cùng với Tập đoàn Bảo Việt nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Với kinh nghiệm, năng lực quản trị tốt cộng với tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh cũng như vị thế hàng đầu hiện nay của Tập đoàn Bảo Việt, rõ ràng, Bảo Việt trở thành ưu tiên số một vì mang đến khả năng thành công cao hơn. Sumitomo Life cũng nhấn mạnh quyết định đầu tư vào Tập đoàn Bảo Việt dựa theo chiến lược lâu dài, chứ không phải nhằm mục đích thu lợi trong ngắn hạn. Hiện Bảo Việt là một trong những DN hàng đầu về lĩnh vực về tài chính – bảo hiểm của Việt Nam nên cơ hội hợp tác này sẽ mang lại thành công nhiều hơn.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm đều có chung định rằng, với lực lượng dân số đông và trẻ, tỷ lệ sở hữu bảo hiểm của người dân còn rất thấp, trong khi nhận thức của người dân về bảo hiểm ngày càng được nâng cao, việc mở rộng thêm các loại hình bảo hiểm mới và nỗ lực tái cấu trúc các DN bảo hiểm… sẽ là những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn “khó cưỡng” của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Do vậy, tới đây, thị trường bảo hiểm dự báo sẽ sôi động hơn rất nhiều với sự tìm kiếm cơ hội của các tập đoàn tài chính – bảo hiểm.
Nguồn: tapchitaichinh.vn
Bảo Hiểm Bảo Việt