Hệ thống bảo hiểm hưu trí đang phát triển theo kiểu một ngôi nhà bị rỗng tầng: tầng dưới còn trống thì tầng trên đã nảy nở cấp tập, nên ẩn chứa nguy cơ phát triển thiếu vững chắc.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư mới đây, ông Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, Đề án Triển khai chương trình quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung vẫn chưa xây dựng xong và chưa thể xác định được thời điểm nào có thể triển khai.
Trước đó, cuối năm 2013, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết sẽ triển khai thí điểm mô hình quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, hiện đã gần hết tháng đầu tiên của năm 2014, nhưng theo những gì ông Giang cho biết, thì kế hoạch cụ thể cho chương trình hưu trí bổ sung vẫn còn mờ mịt.
Hệ thống bảo hiểm hưu trí phát triển toàn diện giống như 1 ngôi nhà 3 tầng. Trong đó, bảo hiểm hưu trí cơ bản giống như tầng 1 của ngôi nhà, với vai trò nền tảng, đảm bảo mức thu nhập tối thiểu cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu. Hưu trí cơ bản được Nhà nước bảo hộ cả về ngân sách lẫn chính sách. Bảo hiểm hưu trí bổ sung giống như tầng 2, với vai trò hỗ trợ thêm cho người nghỉ hưu và cũng nằm trong chính sách an sinh xã hội do Nhà nước quản lý và điều tiết. Trong khi đó, bảo hiểm hưu trí tự nguyện giống như tầng 3, với vai trò lấp nốt những phần mà 2 tầng hưu trí trước chưa phủ hết.
Ở Việt Nam trong một thời gian dài chỉ có 1 tầng bảo hiểm hưu trí cơ bản. Đến cuối năm 2013, Thông tư số 115/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ tự nguyện bắt đầu có hiệu lực.
Ngay sau khi có quy định pháp lý này, nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ đã khá nhanh nhạy tung ra các sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện và doanh nghiệp đầu tiên nhảy vào mảng thị trường này là Dai-ichi Life Việt Nam.
Tiếp theo, Manulife Việt Nam cũng nhanh chân tung ra sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện “Manulife – Điểm tựa hưu trí”.
Nói về tiềm năng của mảng thị trường bảo hiểm hưu trí, ông Chung Bá Phương, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam cho biết, ở Việt Nam hiện mới có gần 20% người cao tuổi có lương hưu từ bảo hiểm xã hội, nghĩa là nhu cầu của người dân về một kế hoạch hưu trí còn rất lớn.
Đầu năm 2014, Công ty bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam đã tung ra sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện An nghiệp hưu trí. Đây là sản phẩm bảo hiểm dành cho những người có ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp hoặc các thành viên khác được doanh nghiệp đề nghị tham gia bảo hiểm. Với sản phẩm này, giá trị tài khoản hưu trí được tính lãi hàng tháng theo mức lãi suất dựa trên kết quả đầu tư và đảm bảo không thấp hơn lãi suất được AIA Việt Nam cam kết.
Không chịu lép vế, PVI Sun Life dù là tân binh, nhưng cũng rất sốt sắng triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Lãnh đạo PVI Sun Life cho biết, ngay từ khi có thông tin quy định về khung pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm hưu trí tự nguyện, PVI Sun Life đã nhanh chóng tiến hành các bước chuẩn bị cho sự ra đời của sản phẩm này.
Với động thái hiện nay, “tầng” bảo hiểm hưu trí tự nguyện coi như đã thành khuôn hình và ngôi nhà 3 tầng của hệ thống bảo hiểm hưu trí đang bị rơi vào tình trạng trống rỗng khoảng giữa.
Sự phát triển theo xu thế này có thể sẽ là bình thường bởi có quan điểm cho rằng, “ai khỏe cứ chạy trước”. Tuy nhiên, về cơ bản, tầng 3 chỉ là phần hỗ trợ thêm cho hệ thống bảo hiểm hưu trí và 2 tầng dưới vẫn dưới vẫn được coi là những nền tảng quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, nếu tầng trên cùng phát triển quá nhanh, trong khi tầng 2 bỏ trống, thì sẽ tiềm ẩn sự thiếu vững vàng trong kết cấu tổng thể của toàn bộ hệ thống bảo hiểm hưu trí.