Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT); đồng thời tiếp tục quảng bá, giới thiệu hình ảnh hoạt động của BHXH Việt Nam, góp phần thiết thực cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân và mọi người lao động (NLĐ) tích cực tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. BHXH Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức phát động “Giải báo chí toàn quốc về BHXH, BHYT năm 2015-2016” (gọi tắt là Giải), Ban Tổ chức thông báo Thể lệ Giải như sau:I. NỘI DUNG VÀ YÊU CẦU
1. Nội dung:
Tác phẩm tham dự Giải tập trung phản ánh thực trạng, phân tích nguyên nhân, hiệu quả và các phải pháp hữu hiệu với các nội dung sau:
1.1. Tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT nhất là về nội dung Luật BHXH (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
1.2. Nêu bật vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân và tập thể sử dụng lao động… trong công tác tuyên truyền vận động và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”; Đề án của Chính phủ về thực hiện BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020.
1.3. Biểu dương các cơ quan, tổ chức, tập thể và cá nhân có những kinh nghiệm hay, cách làm tốt, sáng tạo đạt hiệu quả cao trong tổ chức thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT; Ca ngợi, nêu những gương điển hình của đơn vị, doanh nghiệp chấp hành tốt Luật BHXH, Luật BHYT.
1.4. Phản ánh thực trạng, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp đối với những hạn chế, bất cập trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại các địa phương, đơn vị nhất là các hành vi chây ỳ, trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT; đấu tranh ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT.
1.4. Phản ánh những nỗ lực, cố gắng của các tập thể, cá nhân cán bộ, CCVC và lao động thuộc hệ thống BHXH Việt Nam, nhất là những tấm gương tiêu biểu, những tập thể điển hình, những kinh nghiệm tốt, những sáng kiến hay trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại mỗi địa phương, đơn vị.
2. Yêu cầu:
– Các loại hình báo chí được tham dự Giải: Báo in (báo, tạp chí), báo nói (phát thanh) và báo hình (truyền hình), báo điện tử.
– Thể loại tác phẩm báo chí bao gồm: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, bút ký báo chí, tọa đàm- giao lưu.
– Mỗi tác giả và nhóm tác giả được gửi tối đa 05 tác phẩm tham dự Giải phù hợp với yêu cầu và điều kiện đã nêu.
– Tác phẩm tham dự Giải phải đảm bảo tính chính xác, có tính thuyết phục cao.
II. ĐỐI TƯỢNG THAM DỰ
– Tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài ngành BHXH do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép đều có đủ điều kiện tham dự Giải.
– Thành viên Ban Tổ chức, Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo, Tổ Thư ký và Tổ Giúp việc không tham dự Giải.
III. ĐIỀU KIỆN DỰ GIẢI
– Tác phẩm dự Giải phải được các phương tiện thông tin đại chúng trong nước đăng tải, phát sóng kể từ ngày phát động Giải đến hết ngày 31/10/2016.
– Tác phẩm phải là sáng tạo lần đầu của chính tác giả, là bản gốc. Nếu sao chép, vi phạm quyền tác giả thì tác giả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
– Chưa từng tham dự bất cứ cuộc thi nào.
– Mỗi bài viết không quá 2500 từ, cỡ chữ 14 – Times New Roman trên khổ A4 (một tác phẩm không quá 05 kỳ; mỗi kỳ không quá 2500 từ đối với báo in và báo điện tử; không quá 60 phút/kỳ đối với báo nói và báo hình).
Một số vấn đề cần lưu ý:
1. Tác phẩm báo in có thể gửi nguyên bản gốc hoặc phô tô, ghi rõ tên báo và thời gian đăng tải.
2. Tác phẩm báo điện tử phải in ra giấy khổ A4, ghi rõ tên báo, đường dẫn đến tác phẩm (link) và thời gian đăng tải.
3. Tác phẩm báo phát thanh, truyền hình đều phải gửi đĩa ghi tiếng, ghi hình (USB, CD, VCD, DVD) có lời viết và lời bình, ghi rõ chuyên mục, thời gian phát sóng (ngày, giờ, thời lượng phát sóng) in trên giấy A4 gửi kèm theo.
4. Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, truyện, tranh vẽ, tiểu phẩm, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh).
5. Tác phẩm dự Giải không trả lại tác giả. Ban Tổ chức được quyền sử dụng tác phẩm đạt giải để tuyên truyền.
IV. THỜI GIAN, ĐỊA CHỈ NHẬN TÁC PHẨM, CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
1. Thời gian tác phẩm được tính dự Giải:
– Tác phẩm đã được sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày phát động Giải đến hết ngày 31/10/2016.
2. Thời gian nhận tác phẩm dự thi:
– Từ ngày phát động Giải đến hết ngày 31/10/2016 (tính theo dấu bưu điện).
3. Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:
Ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam
59 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 04.38246530; 04.39351071; 0972.628386
Email: bannghiepvu.hnb@gmail.com
+ Ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự “Giải báo chí toàn quốc về BHXH, BHYT năm 2015-2016”.
+ Ghi rõ bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, số điện thoại, email của tác giả.
4. Cơ cấu giải thưởng:
Đơn vị tính: VNĐ
Stt | Loại giải thưởng | Số giải | Giá trịgiải thưởng | Tổng giá trịgiải thưởng |
I. | Giải Đặc biệt | 01 | 25,000,000 | 25,000,000 |
II. | Giải cho truyền hình | 11 | 105,000,000 | |
1. | Giải A | 01 | 20,000,000 | 20,000,000 |
2. | Giải B | 02 | 15,000,000 | 30,000,000 |
3. | Giải C | 03 | 10,000,000 | 30,000,000 |
4. | Giải Khuyến khích | 05 | 5,000,000 | 25,000,000 |
III. | Giải cho các loại hình báo chí còn lại | 33 | 195,000,000 | |
1. | Giải A | 03 | 15,000,000 | 45,000,000 |
2. | Giải B | 06 | 10,000,000 | 60,000,000 |
3. | Giải C | 09 | 5,000,000 | 45,000,000 |
4. | Giải Khuyến khích | 15 | 3,000,000 | 45,000,000 |
IV. | Giải Tập thể | 04 | 10,000,000 | 40,000,000 |
VI. | Tổng (I + II + III + IV) | 49 | 365,000,000 |
Căn cứ vào số lượng và chất lượng các tác phẩm dự thi, Ban Tổ chức có thể điều chỉnh số lượng và giá trị giải thưởng cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohiemxahoi.gov.vn)