Ngày 19/12, Sở Y tế tỉnh Nam Định tổ chức tọa đàm “Tháo gỡ những khó khăn, rào cản trong thực hiện bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và các đối tượng khác”, bàn các giải pháp phấn đấu gia tăng tốc độ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.
Trong số 229 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, mới có 74 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 73,8% trở lên, chiếm 32% tổng số xã, phường; 37 xã đạt tỷ lệ từ 70% đến dưới 73,8%; 118 xã, thị trấn có tỷ lệ dưới 70%, đặc biệt vẫn có xã có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt mức dưới 60%.
Quang cảnh tọa đàm. |
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định cho rằng: Trong khi các đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế đã tham gia 100% thì việc có đạt được tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hay không phụ thuộc khá lớn vào việc tham gia của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Thời gian qua, mặc dù các huyện tại Nam Định đã tập trung tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đối tượng này tham gia song hiệu quả vẫn hạn chế.
Nhiều huyện có tỉ lệ tham gia của đối tượng hộ gia đình thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh như: Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Trực Ninh. Đặc biệt, đối tượng hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tính đến nay chỉ duy nhất huyện Hải Hậu có 5 xã, thị trấn vận động được 2.279 người tham gia, còn lại 9 huyện, thành phố khác đều chưa đạt được kết quả như chỉ tiêu đề ra.
Ngoài đối tượng hộ gia đình, học sinh, sinh viên thì người lao động trong các khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng ít tham gia bảo hiểm y tế. Theo khảo sát, hiện khu vực doanh nghiệp tư nhân tại Nam Định còn trên 30.000 người lao động chưa được tham gia bảo hiểm y tế, con số này ở nhóm đối tượng học sinh, sinh viên là 16.416 người.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài, để tháo gỡ những khó khăn trong thực hiện bảo hiểm y tế, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các hoạt động về truyền thông bảo hiểm y tế, Nam Định cần thực hiện các giải pháp thiết thực để phát triển độ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn tỉnh, nhân rộng những mô hình, cách làm hay đã được Nam Định triển khai và đem lại hiệu quả tích cực trong công tác vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, góp phần thu hút ngày càng nhiều người dân ở những vùng điều kiện kinh tế khó khăn, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tham gia bảo hiểm y tế.
Điển hình như mô hình “Nhóm phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế – Vì sức khỏe phụ nữ”. Được bắt đầu triển khai tại xã Hải Phú (huyện Hải Hậu) từ tháng 9/2016, đến nay, mô hình này đã cho thấy những kết quả đáng ghi nhận. Từ một xã ban đầu, mô hình đã tạo được sức lan tỏa ra hơn 30 xã, thị trấn trong huyện; trong 3 tháng, hội viên hội phụ nữ các cấp của huyện đã vận động được sự tham gia của hàng nghìn người, bán ra trên 7.300 thẻ bảo hiểm y tế. Tại xã Hải Lộc (huyện Hải Hậu), nhiều đại lý bảo hiểm còn hỗ trợ ứng tiền trước cho người mua có hoàn cảnh khó khăn, nâng tỉ lệ tham gia bảo hiểm tại xã từ 63% năm 2015 lên 78% vào năm 2016.
Thời gian tới, Sở Y tế tỉnh cũng sẽ đề nghị UBND tỉnh Nam Định hỗ trợ tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV/AIDS đang phải điều trị ARV vì năm 2017 thuốc ARV sẽ không được viện trợ và thanh toán trong quỹ bảo hiểm y tế theo quyết định số 2188, ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến hết quý III năm 2016, số người nhiễm HIV đang điều trị ARV tại Nam Định là 1.241 người; trong đó, mới có 61% người có thẻ bảo hiểm y tế, tương ứng 757 người.
Bên cạnh đó, Nam Định chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nói chung và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nói riêng tại các cơ sở y tế; tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao kĩ thuật, xây dựng đề án bệnh viện vệ tinh…để nâng cao chất lượng điều trị; cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh, người nhà người bệnh; cụ thể hóa các tiêu chuẩn về giao tiếp, ứng xử cho phù hợp từng bệnh viện, có hệ thống theo dõi đánh giá phản hồi của người bệnh về giao tiếp ứng xử và thái độ chăm sóc của nhân viên bệnh viện thông qua đường dây nóng.
Đồng thời, tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được đảm bảo thông suốt, hiệu quả cũng là vấn đề được quan tâm.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng, những hình thức khuyến khích từ cơ sở như mạnh dạn áp dụng mở rộng hệ thống đại lý bảo hiểm y tế, giải quyết nhanh chóng, hài hòa vấn đề lợi ích giữa đại lý bảo hiểm và các đoàn thể… cũng cần được chú trọng.
Tất cả vì mục tiêu đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hướng hiện đại, đồng bộ, đảm bảo đủ năng lực và điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân. Nam Định phấn đấu hết năm 2017 sẽ nâng mức bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn tỉnh lên 78,5%…