Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 90% chủ xe ô tô tham gia sản phẩm bảo hiểm này, trong khi tỷ lệ mua bảo hiểm đối với chủ phương tiện xe máy chỉ đạt khoảng 30%. Tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này không chỉ có các cơ quan chức năng có liên quan, mà bản thân nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị.
Nói về những khó khăn trong việc khai thác và giám định bồi thường đối với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, Thông tư 126/2008 và Thông tư 151/2012 của Bộ Tài chính đã tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp bảo hiểm thuận lợi trong triển khai nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới…
Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả ở các thành phố lớn, việc triển khai bảo hiểm hiểm xe máy vẫn gặp nhiều khó khăn, do ý thức của người dân về việc mua bảo hiểm bắt buộc chưa cao. Trong khi đó, ở vùng sâu, vùng xa, để bán được sản phẩm này còn khó khăn hơn nhiều, vì chi phí tổ chức mạng lưới, quản lý bán hàng cao, nên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thấp.
Đối với việc giải quyết bồi thường, mục 9.4, Điều 9, Thông tư 126/2008 yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm phải thu thập hồ sơ công an về vụ tai nạn, gây khó khăn cho phía doanh nghiệp bảo hiểm trong một số tình huống: tai nạn không xảy ra trên đường giao thông (trong khu công nghiệp, đường liên thôn, xóm…); tai nạn xảy ra không xuất hiện bên thứ ba (xe tự đâm vào cột điện, ta-luy đường).
Ngoài ra, cũng như nhiều ý kiến đã phản ánh mức trách nhiệm quy định hiện nay không còn phù hợp (đặc biệt đối với ô tô), chủ xe gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết bồi thường đối với những vụ tổn thất lớn, do mức bồi thường của bên thứ ba cao hơn mức trách nhiệm bắt buộc.
Về việc phối hợp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan chức năng nhìn chung là tốt. Đặc biệt, cảnh sát giao thông về cơ bản đã phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm trong việc xác định nguyên nhân tai nạn để xác định phạm vi bảo hiểm, cung cấp đầy đủ hồ sơ cho doanh nghiệp bảo hiểm để giải quyết bồi thường cho khách hàng nhanh chóng, kịp thời.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số vấn đề chưa đồng nhất, khiến các doanh nghiệp bảo hiểm gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như một số các hồ sơ cơ quan công an cung cấp cho bảo hiểm chỉ đóng dấu treo, không đóng dấu sao y và chữ ký xác nhận của người đủ thẩm quyền, do đó, đã có những vụ tai nạn mà hồ sơ bản sao không giống với bản chính.
Ngoài ra, rất nhiều tài liệu, hồ sơ giải quyết tai nạn tại các tỉnh phía Nam cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được đóng dấu vuông của Đội cảnh sát giao thông, mà không có chữ ký và dấu tròn theo quy định của Cục Cảnh sát giao thông.
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới phát huy hết vai trò của mình, thì việc tăng mức trách nhiệm và tăng mức phí bảo hiểm tương ứng với từng loại xe là việc làm cần thiết. Cụ thể, mức phí bảo hiểm bắt buộc với xe máy hiện phổ biến chưa đầy 100 nghìn đồng/năm.
Cùng với đó, phía doanh nghiệp bảo hiểm cũng đề nghị áp dụng giảm trừ bồi thường 50% đối với trường hợp lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định cũng như quy định cụ thể tài liệu, giấy tờ cần thu thập hồ sơ và giải quyết bồi thường trường hợp xe tai nạn không được cảnh sát giao thông giải quyết.
Ngoài ra, theo đề xuất của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, cũng cần xây dựng bảng tỷ lệ phân lỗi trong các tình huống tai nạn để các công ty bảo hiểm có phương án giải quyết bồi thường đồng nhất….
“Đối với các vụ tai nạn giao thông không nghiêm trọng và ít nghiêm trọng (không phải thực hiện công tác điều tra), nên ấn định ngày cảnh sát giao thông ra thông báo kết luận sơ bộ. Cần bổ sung quy định các ngày trong tuần để giải quyết sao chụp hồ sơ cho doanh nghiệp bảo hiểm và có đầu mối để làm việc trực tiếp…”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm kiến nghị.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)