(TBTCO) – Điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục cải thiện khi bắt đầu bước vào nửa cuối của năm, mặc dù có nhiều dấu hiệu của sự giảm sút khi cả sản lượng và đơn hàng mới tăng yếu hơn tháng trước.
Chỉ số PMI tháng 7 của Việt Nam (một chỉ số tổng hợp các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất) do ngân hàng HSBC công bố đã giảm từ 52,3 trong tháng 6 xuống còn 51,7 điểm, dấu hiệu cải thiện yếu nhất trong bốn tháng.
Tính đến tháng 7, sản xuất đã tăng trưởng 10 tháng liên tiếp, mặc dù tốc độ tăng chậm nhất trong chuỗi tăng trưởng hiện tại. Một số công ty cho biết mức tăng đơn đặt hàng mới yếu hơn và khó khăn trong việc giữ lại công nhân đã làm chậm tăng trưởng trong sản xuất.
Cùng với sản lượng, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã chậm lại trong tháng 7 và là yếu nhất kể từ tháng 2. Giá cả đầu vào tiếp tục tăng mạnh trong tháng 7 và các công ty được khảo sát cho rằng chi phí vận chuyển cao xuất phát từ việc thực thi những quy định giới hạn tải trọng xe tải và chi phí nhiên liệu tăng. Tỷ lệ lạm phát đã gia tăng so với tháng 6 và nhanh hơn so với mức trung bình của lịch sử chỉ số. Giá cả đầu ra cũng tăng, mặc dù chỉ là nhẹ, một số trường hợp các công ty đã cố gắng thúc đẩy nhu cầu bằng cách giảm giá bán.
Thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các quy định về giới hạn tải trọng và đã kéo dài thêm tháng thứ năm liên tiếp. Tuy nhiên, mức độ kéo dài thời gian giao hàng trong kỳ mới đây là thấp nhất trong ba tháng. Những vấn đề về dịch vụ hậu cần cũng là một nhân tố dẫn đến mức tăng lần đầu tiên của hàng tồn kho thành phẩm trong ba tháng.
Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế của HSBC kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới và việc làm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.