Việc tìm doanh thu ở những mảng nghiệp vụ cũ ngày càng khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải mở rộng “sân chơi” sang những mảng nghiệp vụ mới.
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm bảo lãnh, bảo hiểm trách nhiệm giám đốc… đang là mục tiêu mới của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Những nghiệp vụ bảo hiểm này không hoàn toàn mới, nhưng chưa nhiều doanh nghiệp khai phá. Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hay bảo hiểm nông nghiệp đang được khuyến khích triển khai sâu rộng hơn. Đến nay, cả hai nghiệp vụ này đều đã kết thúc giai đoạn thí điểm.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, số lượng khách hàng tham gia bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chưa nhiều, nếu nhận bảo hiểm cho các đối tượng này thì xác suất xảy ra tổn thất là lớn, không đáp ứng được nguyên tắc số đông bù số ít, nên không hấp dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm. Tỷ lệ tổn thất đối với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trong giai đoạn đầu triển khai tương đối cao.
Đối với bảo hiểm nông nghiệp, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì còn nhiều khó khăn và hạn chế nhất định. Kết thúc giai đoạn thí điểm, bảo hiểm nông nghiệp bị lỗ hơn 20 tỷ đồng, rủi ro về thiên tai và dịch bệnh diễn ra bất thường trên diện rộng khiến các doanh nghiệp bảo hiểm chịu tổn thất nặng nề. Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong việc tái bảo hiểm, vì đối với các rủi ro dịch bệnh về thủy sản, có rất ít nhà tái nước ngoài chấp nhận bảo hiểm. Chính vì thế, sau giai đoạn thí điểm, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cơ quan chức năng đang cân nhắc phương án triển khai tiếp loại hình bảo hiểm này sao cho hợp lý hơn.
Đối với bảo hiểm bảo lãnh hay bảo hiểm trách nhiệm giám đốc, “khoảng trắng” còn lớn nên không ít doanh nghiệp bảo hiểm đã tham gia nhằm lấp đầy khoảng trắng này. Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, kết quả ban đầu rất khiêm tốn, mỗi doanh nghiệp mới chỉ có vài chục hợp đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực để khơi thông những phân khúc mới này, dù phải mất nhiều thời gian.
Cùng với những nỗ lực để có thể “phủ sóng” tới các mảng bảo hiểm mới nêu trên, theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2014 đến hết năm 2016, sẽ có nhiều chính sách liên quan đến ngành bảo hiểm về việc triển khai bảo hiểm cho ngư dân. Đây là một chính sách thiết thực của Nhà nước nhằm hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển. Các doanh nghiệp bảo hiểm rất ủng hộ chủ trương này. Tuy nhiên, khi bắt tay vào triển khai chương trình, các doanh nghiệp cho biết, có một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, để được ngân sách hỗ trợ chi phí thì chủ tàu phải tham gia các tổ đội, nhưng việc tham gia tổ đội này lại trái ngược với tập quán của ngư dân (sợ lộ bí mật ngư trường). Việc giải ngân kinh phí để mua bảo hiểm cũng là một vấn đề nan giải. Đây là thực tế rút ra từ việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp mà những công ty bảo hiểm tham gia đã gặp phải. Ngoài ra, việc xác định, điều tra nguyên nhân tai nạn hoặc tổn thất tàu bè khi đã ra biển là bài toán khó, bởi rất khó giám sát vấn đề này nên nguy cơ trục lợi bảo hiểm có thể xảy ra.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phải tập trung nhiều nguồn lực. Hiện cả nước có 28 tỉnh ven biển, nhưng Bộ Tài chính chỉ cho phép một số doanh nghiệp bảo hiểm trực tiếp thực hiện chương trình này theo phương thức đồng bảo hiểm. Mỗi doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải làm nhà bảo hiểm đứng đầu (leader) ở một số tỉnh và làm nhà đồng bảo hiểm (follower) ở các tỉnh còn lại.
Theo nguyên tắc thì nhà bảo hiểm đứng đầu sẽ phải trực tiếp thực hiện toàn bộ quy trình nghiệp vụ bao gồm: cấp đơn, thu xếp chương trình tái bảo hiểm, theo dõi thu phí bảo hiểm, hạch toán và phân chia đồng bảo hiểm, giám định và bồi thường, đòi bồi thường từ tái bảo hiểm… cho toàn bộ dịch vụ tại địa bàn phụ trách, do vậy các doanh nghiệp phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng về ngân sách tài chính, nguồn nhân lực cũng như hệ thống quản lý nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm chịu áp lực lớn trong việc phải giải quyết nhanh về bồi thường.
Bảo Hiểm Bảo Việt Theo (ĐTCK)