Không phải đến nay, mà ngay từ khi đi vào hoạt động cách đây 3 năm, TCA đã gây hoài nghi trên thị trường, khi ban đầu phân phối bảo hiểm cho Generali, rồi dần mở rộng sang bán cho một số hãng bảo hiểm khác.
Có ý kiến cho rằng, ngoài việc được chấp thuận của Sở Kế hoạch và Đầu tư, TCA còn phải được Bộ Tài chính cho phép nếu muốn hoạt động theo hình thức tổng đại lý, bởi nhầm tưởng TCA là nhà môi giới bảo hiểm.
Theo đó, có thời điểm khi được mời về TCA làm việc, không ít tư vấn viên tỏ ra ngần ngại vì chưa nắm rõ hình thức hoạt động của Công ty nên lo ảnh hưởng đến tính ổn định của công việc, cũng như quyền lợi của họ. Ngoài lý do này, việc chưa được chấp thuận trong hợp tác với Dai-ichi Life Việt Nam, nhưng TCA vẫn rao bán sản phẩm của hãng này, nên TCA từng bị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) từ chối khi muốn làm thành viên.
Mới đây, do chưa thấu hiểu sự hợp pháp của TCA trên thị trường, một số đại lý bảo hiểm cá nhân còn hoài nghi “liệu đây có phải là hình thức kinh doanh đa cấp trong bảo hiểm?”.
Dưới góc nhìn của ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng Thư ký IAV, TCA chính là đại lý bảo hiểm.
“TCA cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý tài chính và các dịch vụ gia tăng trong ngành tài chính Việt Nam. TCA đã ký kết hợp đồng đại lý với mốt số công ty bảo hiểm nhân thọ, trong đó họ chấp nhận cho TCA được làm đại lý cho hãng bảo hiểm khác. Vì vậy, đại lý của TCA có thể bán bảo hiểm cho nhiều hãng bảo hiểm khác nhau”, ông Lộc cho hay.
Thực tế, theo chia sẻ của TCA, không chỉ bán bảo hiểm nhân thọ, Công ty còn bán sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ. Về kết quả kinh doanh, dù không hé lộ con số doanh thu đạt được sau 3 năm hoạt động do đang ở giai đoạn thăm dò thị trường, nhưng hoạt động kinh doanh của TCA cũng có sự tăng trưởng nhất định. Năm 2016, TCA đạt trên 100 tỷ đồng doanh thu.
“TCA đang bán sản phẩm bảo hiểm của 2 công ty nhân thọ là Generali, Hanwha và 1 công ty phi nhân thọ là Liberty”, ông Phạm Duy Phong, Giám đốc Marketing TCA nói và cho biết, Công ty hiện có khoảng 16.000 thành viên (đại lý trực thuộc), 11 văn phòng chính thức và 11 văn phòng mobile (không cần nằm cổ định tại một nơi, khi thay đổi địa điểm cũng không cần báo cáo), địa bàn hoạt động trên 63 tỉnh thành trong cả nước.
Theo ông Lộc, hiện TCA hoạt động trong vai trò một tổng đại lý bảo hiểm, nhưng khác với tổng đại lý bảo hiểm trực thuộc công ty bảo hiểm, TCA bán cho nhiều hãng cùng một lúc.
Mô hình hoạt động của TCA cũng tương tự như mô hình của các đại lý tổ chức như Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost), từng làm đại lý phân phối độc quyền cho Prevoir và hiện là đại lý phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ độc quyền cho Dai-ichi Life Việt Nam.
Ngoài ra, còn có một số đại lý tổ chức khác như Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam cũng từng tham gia làm đại lý phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ vi mô…
Trước băn khoăn của các đại lý bảo hiểm, ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và đào tạo Bạch Kim – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, khẳng định, TCA không phải là công ty bảo hiểm, cũng không phải là môi giới bảo hiểm, mà là đại lý bảo hiểm.
Trả lời câu hỏi vì sao tư vấn viên không làm đại lý trực tiếp cho các công ty, mà phải tham gia TCA, như vậy có bị rắc rối, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, cũng như ảnh hưởng đến thu nhập của tư vấn viên hay không, ông An cho biết, TCA được phép cung cấp sản phẩm của nhiều hãng bảo hiểm, nếu tư vấn viên muốn như vậy thì phải chọn TCA.
Việc đó không ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng, bởi hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa khách hàng và công ty bảo hiểm có sản phẩm mà TCA phân phối và tuân thủ theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Quyền lợi của khách hàng chỉ bị ảnh hưởng khi người tư vấn thiếu trung thực. Về quyền lợi của tư vấn viên, mỗi đại lý bảo hiểm đều có chính sách thu nhập và thưởng riêng cho tư vấn viên để đảm bảo thu nhập của họ.
Về mặt pháp nhân, theo ông Phạm Duy Phong, do là tổng đại lý nên TCA không phải xin phép Bộ Tài chính, mà chỉ cần được Sở Kế hoạch đầu tư cấp phép hoạt động (đã được cấp ngày 27/6/2014). theo tinnhanhchungkhoan.vn