Đầu tháng 8, Hà Nội sẽ điều chỉnh giá 1.348 dịch vụ y tế, phía Bộ Y tế cũng cho biết, cuối năm 2014, các bệnh viện (BV) thuộc Bộ cũng tiếp tục tăng viện phí.
Lãnh đạo ngành y tế khẳng định, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) không bị ảnh hưởng nhiều trước việc điều chỉnh này.
Không ảnh hưởng đến CPI?
Sau gần một năm thực hiện tăng viện phí, tháng 8 tới, Hà Nội tiếp tục điều chỉnh viện phí. Trước vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Lưu Thị Liên lý giải, trong đợt điều chỉnh trước (8/2013), Hà Nội mới chỉ điều chỉnh giá viện phí ở 447 dịch vụ kỹ thuật, các dịch vụ khác vẫn thực hiện theo Thông tư 03/2006 là thu một phần viện phí. “Trước khi điều chỉnh giá viện phí lần này, ngành y tế, tài chính và bảo hiểm xã hội (BHXH) đã làm việc nhiều lần và thống nhất là việc điều chỉnh giá sẽ không ảnh hưởng đến Quỹ BHYT. Mức tăng lần này cũng chỉ từ 80 – 100% quy định ở Thông tư 03/2006, tùy theo từng hạng BV” – bà Lưu Thị Liên cho biết.
Thanh toán viện phí tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh Hải Linh
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn lo ngại, việc tăng viện phí sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát. Bà Liên cho rằng, trước khi đề xuất tăng, liên ngành Y tế – Tài chính – BHXH Hà Nội đã có văn bản gửi Cục Thống kê để đánh giá tác động. Tại Văn bản trả lời số 251/CTK-TM, Cục Thống kê Hà Nội khẳng định: “Với các danh mục y tế dự kiến điều chỉnh tăng giá lần này không nằm trong rổ hàng hóa của Cục Thống kê”. Trong khi đó, đánh giá của UBND TP Hà Nội cho thấy, giá dịch vụ khám chữa bệnh điều chỉnh tăng ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức độ thấp, không phải là yếu tố quyết định làm tăng CPI, cụ thể: Quý IV/2013, ngay sau khi quyết định phê duyệt giá khám chữa bệnh có hiệu lực, nhóm thuốc và dịch vụ y tế chỉ tăng 0,08% (trong khi CPI tăng 0,4%); Quý I/2014, giá thuốc và dịch vụ y tế chỉ biến động nhẹ với mức tăng 0,07% (trong khi CPI tăng 4,8%). Về phía người có thẻ BHYT không phải chi trả dịch vụ khám, chữa bệnh hoặc chỉ chi trả một phần, nên không tăng gánh nặng về kinh tế của người dân.
Tính đúng, tính đủ
Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, Bộ đang phân loại các phẫu thuật, thủ thuật để tiến tới áp dụng viện phí mới đối với các BV trực thuộc Bộ vào cuối năm 2014. Cụ thể, tiền phụ cấp trực được tính vào giá ngày giường; phí chi trả phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật tính vào giá từng phẫu thuật, thủ thuật. Theo đó, giá các ca phẫu thuật đặc biệt (như ghép tạng, mổ tim…) tối đa sẽ tăng thêm 1.520.000 đồng/ca; phẫu thuật loại I tăng tối đa 660.000 đồng/ca; phẫu thuật loại II tăng tối đa 340.000 đồng/ca và phẫu thuật loại III tăng tối đa 190.000 đồng/ca… Các thủ thuật cũng tăng lên tối đa 300.000 đồng/ca với thủ thuật loại đặc biệt và thấp nhất là thủ thuật loại III là 28.500 đồng/ca. Đây là số tiền sẽ trả cho cả kíp phẫu thuật, thủ thuật. Cùng với đó, giá giường bệnh cũng tăng thêm chi phí trả cho chế độ phụ cấp trực với mức điều chỉnh tăng từ 11.000 – 20.000 đồng/ngày tùy hạng BV.
Thông tin từ BHXH Việt Nam, hiện có 29 tỉnh, thành dự kiến tiếp tục điều chỉnh viện phí trong năm 2014 sau khi tăng một lần trong thời gian 2012 – 2013. Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, mức điều chỉnh tăng của các tỉnh là phù hợp bởi trước đó những địa phương này đều có mức tăng thấp so với khung viện phí được ban hành. Việc điều chỉnh này không ảnh hưởng tới người có thẻ BHYT. “Với 70% dân số đã có thẻ BHYT, người dân có nhiều thuận lợi hơn khi đi khám chữa bệnh bởi nhiều dịch vụ được BHYT chi trả, người bệnh không phải bỏ tiền túi để thanh toán khoản chênh lệch mà trước đó BHYT chưa chi trả” – ông Nguyễn Nam Liên nhấn mạnh.
Theo lộ trình, đến năm 2015, viện phí sẽ tính thêm tiền lương theo mức từ 20 – 50% quỹ tiền lương cơ bản đối với từng tuyến BV. Trong giai đoạn 2016 – 2017, chi phí tiền lương sẽ được tính theo mức 50 – 100% quỹ tiền lương cơ bản cộng thêm khấu hao trang thiết bị trực tiếp thực hiện dịch vụ và chi phí quản lý, vận hành BV. Sau năm 2018, viện phí sẽ tính đầy đủ chi phí để thực hiện dịch vụ.
|
Nguồn: baohiemxahoi.gov.vn
Bảo Hiểm Bảo Việt