Tăng mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc lên 100 triệu đồng/người

(ĐTCK) Mức bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc tối đa 70 triệu đồng/người/vụ đang được coi là thấp, không đủ bù đắp được chi phí y tế và thiệt hại do các vụ tai nạn giao thông. Nâng mức bồi thường đang là câu chuyện được xem xét.

3.300 tỷ đồng cho gần 80.000 vụ tai nạn

Xuất phát từ lợi ích chung của cộng đồng cũng như lợi ích riêng của từng người dân, không phủ nhận những kết quả mang lại từ sản phẩm bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới (tạm gọi là bảo hiểm bắt buộc) kể từ khi ra đời đến nay khi thông qua bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã hỗ trợ người bị tai nạn khắc phục phần nào khó khăn về tài chính, sớm ổn định cuộc sống sau tai nạn.

Giai đoạn 2009- 2013, gần 80.000 vụ tai nạn giao thông đã được các DNBH bồi thường với tổng số tiền 3.300 tỷ đồng (chưa tính đến các vụ đang giải quyết bồi thường). Trong đó bồi thường thiệt hại về người là gần 1.000 tỷ đồng cho hơn 7.700 người bị chết và gần 26.000 người bị thương; bồi thường thiệt hại về tài sản trên 2.300 tỷ đồng. Riêng trong năm 2014, tổng chi phí bồi thường cho nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới năm 2014 đã lên tới con số 3.500 tỷ đồng (số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm).

Chưa kể, trường hợp nạn nhân bị tai nạn giao thông nhưng không xác định được xe gây tai nạn, hoặc không được bồi thường bảo hiểm (do không mua bảo hiểm hoặc do thuộc loại trừ bảo hiểm) còn được hỗ trợ nhân đạo 20 triệu đồng/trường hợp từ Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới. Ngoài ra, người bị thiệt hại còn là những khoản hỗ trợ “ngoài hợp đồng” từ chính các nhà bảo hiểm xuất phát dựa trên tinh thần tương thân tương ái. Mới đây nhất, Prudential Việt Nam đã tặng 5.000 hợp đồng bảo hiểm miễn phí cho 5.000 gia đình có vợ hoặc chồng bị tử vong do tai nạn giao thông

Về khía cạnh pháp lý, các quy định liên quan đến loại sản phẩm bảo hiểm này từ khi ra đời đến nay cũng liên tiếp được kiện toàn đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của chủ xe và nạn nhân tai nạn giao thông, góp phần thực hiện an sinh xã hội.

Theo ước tính từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra trên toàn quốc mỗi năm khoảng 40.000 tỷ đồng. Thiệt hại này là tính chung cho thiệt hại về người, tài sản, vật chất… trên cả 4 cung đường (đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không)

Chỉ xét trong nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới (thuộc đường bộ), như trên đã nói, tổng chi phí bồi thường cho nghiệp vụ này năm 2014 là 3.500 tỷ đồng. Còn chi phí bồi thường cho bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới khoảng 600 tỷ đồng/năm. Đây là những con số không phải là nhỏ nếu so với tổng mức trách nhiệm thuộc phạm vi bồi thường của các DNBH cũng như so với tổng số tiền thực bồi thường/chi trả mà toàn ngành bảo hiểm đã thực hiện cũng trong năm 2014 (10.685 tỷ đồng). 

Tăng mức bảo hiểm và cách chi trả

Hiện tại, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người đang là 70 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn; mức trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản là 40 triệu đồng/1 vụ tai nạn (do xe mô tô, xe máy gây ra) và 70 triệu đồng/1 vụ tai nạn (do xe ô tô  gây ra).

Mức trách nhiệm bảo hiểm kể trên, theo ghi nhận trên thực tế, là không đủ để người bị tai nạn cùng gia đình đảm bảo về tài chính, ổn định cuộc sống sau tai nạn. Mức mức trách nhiệm đối với thiệt hại về người được các DN vận tải đề xuất cần được nâng lên 100 triệu đồng/người/vụ tai nạn để đảm bảo khả năng chi trả viện phí.

Ngoài ra, các DN này cũng kiến nghị cần ấn định cụ thể mức tiền bồi thường để tránh việc chi trả theo mức tối thiểu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Hiện tại, mức quy định bồi thường các thương tật do tai nạn gây ra đang được áp dụng theo cách linh hoạt mức tiền bồi thường tối thiểu, để thuận tiện áp dụng với từng mức độ thương tật.

Như vậy, có thể thấy rằng, tăng mức trách nhiệm, tăng số tiền bồi thường, đó vẫn là chưa đủ. Đó còn là việc đơn giản hóa thủ tục trong chi trả, nâng chất dịch vụ khách hàng…

Với những vụ tổn thất nhỏ (dưới 30 triệu đồng), một đề xuất cũng được đưa ra đó là nên để DNBH và khách hàng tự giải quyết không cần xác nhận của cơ quan công an để giảm thời gian bồi thường, nhanh chóng hỗ trợ khách hàng. Một giải pháp khác được đề xuất là tăng cường công tác tuyên truyền với một quyết tâm lớn. Từ đó nâng cao nhận thức cho người dân về chế độ bảo hiểm này, để tạo một sự quan tâm thích đáng hơn nữa.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo Cục Quản lý & Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết sẽ tổng hợp và phối hợp đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm đảm bảo chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới phù hợp với thực tế, mang lại lợi ích thiết thực hơn nữa cho người dân và xã hội.

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.