Gần đây, việc một cô giáo mầm non tại Hà Tĩnh nghỉ hưu chỉ với 1,3 triệu đồng/tháng đang gây xôn xao dư luận. Về trường hợp này, ông Phạm Xuân Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng thực sự thấp, nhưng vấn đề ở đây là quan hệ đóng – hưởng, mức đóng cao thì được hưởng cao và ngược lại.
Theo báo cáo của BHXH Hà Tĩnh, cô giáo mầm non nói trên đóng BHXH trong 22 năm 8 tháng. Trong đó, 17 năm đóng BHXH với mức lương tối thiểu từ 120.000 đồng – 1 triệu đồng/tháng. Chỉ khoảng 4 năm cuối cùng mới đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Do đó, theo BHXH Việt Nam, việc đưa mức tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH ngày càng tiệm cận với mức thu nhập thực tế sẽ là chính sách thiết thực bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Với quy định mới tại Luật BHXH, từ ngày 1/1/2018 tới đây, mức tiền lương đóng BHXH sẽ có sự thay đổi đối với đối tượng đóng BHXH bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Thông tin thêm về các khoản được tính vào tiền lương để đóng BHXH, bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó Ban Thu, BHXH Việt Nam cho biết, mức lương làm căn cứ đóng BHXH theo thang lương, bảng lương do doanh nghiệp tự xây dựng.
Còn phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức vụ, ví dụ phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút…
Về các khoản bổ sung khác bao gồm tiền thưởng, tiền ăn giữa ca; một số khoản hỗ trợ… không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.
Ngoài ra, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng mức lương tối thiểu vùng; cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Bà Lan cho biết thêm, để đảm bảo quyền lợi người lao động, Chính phủ quy định, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Với công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng
Công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Liệu quy định này có phải là nền tiền lương đóng BHXH sẽ bao gồm toàn bộ các khoản thu nhập của người lao động? Ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định hiện hành, tiền lương được phân loại thành 2 nhóm cố định hàng tháng theo kỳ trả lương và các khoản không định kỳ. Chỉ những khoản phụ cấp lương và bổ sung được trả cố định theo kỳ lương mới tính vào thu nhập để tính mức đóng BHXH.
Các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung khác, không trả định kỳ hàng tháng mà phụ thuộc vào kết quả sản xuất, doanh số, phụ thuộc vào kết quả làm việc của người lao động thì không tính làm căn cứ đóng BHXH.
Được biết, từ ngày 1/1/2018, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sẽ được mở rộng thêm bao gồm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 – 3 tháng và người lao động nước ngoài có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề.
Từ ngày 1/1/2018, Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng/tháng). Người tham gia thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 30%, thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và các đối tượng khác được hỗ trợ 25%.
Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
Người được hỗ trợ sẽ nộp phần tiền thuộc trách nhiệm đóng của mình cho cơ quan BHXH hoặc đại lý thu. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng, cơ quan BHXH tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ, số tiền thu của đối tượng và số tiền Ngân sách nhà nước hỗ trợ, gửi cơ quan tài chính để chuyển kinh phí vào quỹ BHXH.
theo tinnhanhchungkhoan.vn