Sửa Luật Bảo hiểm xã hội đáp ứng nguyện vọng của người lao động

Ngày 26-5, Quốc hội nghe đại diện của Chính phủ trình bày về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Theo đó, sửa đổi Luật này phù hợp yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động.

NLD 270514.jpg
Ảnh minh họa


Mới 20% lực lượng lao động tham gia

Nội dung Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày cho biết, sau sáu năm thực hiện, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách an sinh xã hội của nhà nước.

Đến nay đã có hơn 10,6 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng gần 1,6 lần. Riêng BHXH tự nguyện có 156 nghìn người tham gia.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách, chế độ BHXH đã bộc lộ những điểm bất cập.

Cụ thể như, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH còn chậm, đặc biệt là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHXH hiện tại mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động. Trên thực tế, số người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia. Nguyên nhân là do một số quy định chính sách chưa thật sự hấp dẫn, chưa có cơ chế để khuyến khích người lao động tham gia, công tác tuyên truyền để mở rộng đối tượng còn chưa được quan tâm đúng mức.

Tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm trên 70% tổng số nợ, làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. Luật BHXH hiện hành quy định lãi chậm đóng bằng mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH trong năm, trong khi đó mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH thường thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng. Mặt khác, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH theo quy định còn thấp. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng BHXH và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền đóng BHXH.

Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hằng năm có xu hướng tăng nhanh. Năm 2012 là 68,6%, ước năm 2013 là 76,6%. Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành, quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu không đủ chi trong năm. Để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn nhiều so với số thu.

Từ thực tiễn trên, sửa đổi Luật BHXH là cần thiết, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong tình hình mới, đáp ứng được nguyện vọng của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này có chín chương, 125 điều, bỏ một chương về bảo hiểm thất nghiệp; gộp Chương VIII về khiếu nại, tố cáo về BHXH và Chương IX về khen thưởng và xử lý vi phạm thành một chương về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH; gộp một số điều, bổ sung một số điều cho phù hợp, thuận tiện trong quá trình tổ chức thực hiện. Phạm vi không áp dụng với bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo đảm an toàn quỹ

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá, sửa đổi Luật BHXH cần quan tâm hai mục tiêu quan trọng.

Trước hết, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thông qua việc bổ sung, điều chỉnh chính sách để mở rộng nhanh hơn diện bao phủ BHXH. Đồng thời, Nhà nước có chính sách để khuyến khích, hỗ trợ lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, hướng tới mục tiêu năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH .

Song song với đó, cần bảo đảm an toàn, cân đối quỹ BHXH thông qua việc xây dựng lộ trình hợp lý nhằm điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc mức hưởng phải dựa trên cơ sở mức đóng và tăng thời gian đóng BHXH để bảo đảm cân đối với thời gian hưởng BHXH của người lao động.

Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận thấy, bổ sung quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới ba tháng được giao kết bằng văn bản tham gia BHXH bắt buộc (điểm b khoản 1 Điều 2) là cần thiết nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động chính sách, đổi mới công tác quản lý và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện pháp luật.

Cũng theo cơ quan này, bổ sung quy định công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp tham gia tham gia BHXH bắt buộc (khoản 2 Điều 2) là phù hợp với quá trình phát triển thị trường lao động. Hiện nay, một số nước trong khu vực ASEAN (Thái-lan, Philippines, Indonesia) đã có quy định hợp tác quốc tế về BHXH. Một số nước như Đức, Canada, Hàn Quốc đã đề nghị Việt Nam ký kết Hiệp định hợp tác song phương về lĩnh vực BHXH nhằm tạo điều kiện cho người lao động hai nước được tham gia BHXH khi sang làm việc ở nước kia . Tuy nhiên, do đây là vấn đề mới, ban soạn thảo cần cung cấp thêm thông tin để Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban tán thành với dự thảo luật để thu hẹp dần khoảng cách giữa tiền lương tháng đóng BHXH và thu nhập thực tế của người lao động. Việc quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết, nâng mức hưởng lương hưu của người lao động, góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH. Tuy nhiên, áp dụng ngay quy định này trong điều kiện hiện nay của nền kinh tế và đời sống người lao động sẽ gặp khó khăn. Do đó, xây dựng lộ trình phù hợp sẽ bảo đảm tính khả thi của quy định này.

Ủy ban cũng đồng tình với đề nghị thực hiện Điều 187 của Bộ luật Lao động. Đó là, nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác và cần điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian tham gia BHXH đồng bộ với việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động.

Nguồn Báo Nhân dân

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.