Dự án Luật BHXH (sửa đổi) đang được thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Qua phiên thảo luận ở tổ vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã bàn thảo nhiều nội dung quan trọng như: Tăng tuổi nghỉ hưu; trao chức năng thanh tra cho cơ quan BHXH; mở rộng đối tượng lao động hợp đồng dưới 3 tháng bắt buộc tham gia BHXH… Báo BHXH đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh xung quanh những nội dung này.
* PV: Ngành BHXH đang đề xuất được trao chức năng thanh tra chuyên ngành về chính sách BHXH và xử phạt các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH. Điều đó có phù hợp với vai trò một cơ quan thực hiện chính sách, thưa bà?
– Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh:
Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận một thực tế trong công tác thu hiện nay. Đó là, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT xảy ra khá phổ biến. Tính đến hết tháng 5/2014, số nợ BHXH, BHYT đã lên tới 11.943,1 tỷ đồng. Số nợ này không đơn thuần là nợ của các DN, đơn vị SDLĐ đối với Quỹ BHXH, Quỹ BHYT mà chính là các DN đang nợ quyền lợi của những NLĐ. Trên thực tế, quyền lợi của hàng ngàn lao động bị ảnh hưởng, chưa được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là do sự vi phạm pháp luật của các chủ DN.
Có thể nói, ngoài ý thức tuân thủ pháp luật chưa tốt của các chủ DN thì công tác thanh tra chuyên ngành về chính sách BHXH vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng nợ đọng BHXH. Hiện, chúng ta mới chỉ thanh tra về BHXH được khoảng 0,5% tổng số DN. Thực tế các năm vừa qua, qua công tác kiểm tra cơ quan BHXH các cấp đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về BHXH nhưng không được quyền xử phạt, phải kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý làm cho vi phạm chưa được xử lý kịp thời nên hiệu quả công tác kiểm tra không cao.
Ngành BHXH được giao trọng trách thực hiện hai chính sách lớn, trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Với số đối tượng quản lý rất nhiều, số chi, số thu lớn, phức tạp, đặc biệt phải đảm bảo sự an toàn của Quỹ nên cần có “công cụ” hữu hiệu để thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, toàn Ngành đang có khoảng 5.500 cán bộ làm công tác kiểm tra, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tình hình thu, nộp BHXH, BHYT đối với các đơn vị ít nhất 1 lần/1 năm. Họ là những người làm chuyên môn nghiệp vụ, nắm rõ số thu- chi nên biết DN nào nợ đọng, DN nào vi phạm. Nếu được Quốc hội trao chức năng thanh tra, xử phạt thì hiệu lực của việc kiểm tra sẽ tăng lên nhiều, các DN sẽ phải chịu chế tài phạt do hành vi không tuân thủ luật pháp. Đồng thời, với bộ máy tổ chức nhân sự hiện có, ngành BHXH có thể đảm nhiệm, bắt tay ngay vào công việc mà không phát sinh thêm về nhân sự cũng như chi phí hoạt động.
Mặt khác, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định 7 nội dung mang tính chất quản lý nhà nước về BHXH thì ngành BHXH đã thực hiện 5 nội dung và còn 2 nội dung vừa có chức năng sự nghiệp dịch vụ công vừa có chức năng quản lý tài chính quỹ nhà nước. Khoản 1, Điều 93 của dự thảo Luật đang được các cơ quan thẩm tra của Quốc hội tham gia như sau: “Tổ chức BHXH là cơ quan chuyên ngành, có chức năng quản lý và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý Quỹ BHXH theo quy định của pháp luật”. Quy định như thế sẽ phù hợp hơn với chức năng của ngành BHXH.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh
* Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có bổ sung nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là NLĐ có giao kết hợp đồng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Có ý kiến cho rằng, quy định này khó khả thi hoặc coi đó là cách “tận thu” của cơ quan BHXH, “bó” lại cơ hội của NLĐ đi tìm việc làm mới. Tổng Giám đốc nhìn nhận thế nào về nhận định này?
– Tôi cần khẳng định rằng, việc đưa người có hợp đồng lao động dưới 3 tháng vào nhóm bắt buộc tham gia BHXH không phải là cách “tận thu” mà ngược lại, khối lượng công việc của ngành BHXH còn tăng lên rất nhiều so với số thu vào Quỹ. Mục tiêu lớn nhất của Quỹ BHXH là đảm bảo tương lai an toàn cho NLĐ, đảm bảo họ được hưởng những quyền lợi chính đáng theo pháp luật. Thực tế, với quy định của Luật BHXH hiện hành, đối tượng bắt buộc tham gia BHXH là “người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên” đã bị nhiều DN “lách” để trốn đóng BHXH cho NLĐ. DN chỉ cần tách hợp đồng thành các kỳ hạn dưới 3 tháng, không liên tục, thì NLĐ và các cơ quan chức năng sẽ không có căn cứ để yêu cầu DN thực hiện trách nhiệm BHXH và phía bị thiệt thòi nhất là NLĐ.
Việc bổ sung quy định này nhằm mục đích để thiết lập “lưới an sinh” bảo vệ NLĐ không bị chủ SDLĐ “lách luật” bằng cách ký hợp đồng lao động mùa vụ, dưới 3 tháng để trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH cho NLĐ.
Còn việc cho rằng, tham gia BHXH sẽ “bó” cơ hội tìm kiếm việc làm của NLĐ là không đúng, bởi quy định của Luật vẫn đang cho NLĐ được chốt sổ BHXH, cộng dồn thời gian tham gia BHXH khi chuyển sang nơi làm việc mới. BHXH là để bảo vệ NLĐ chứ không phải hạn chế cơ hội phát triển của NLĐ với những cơ hội việc làm mới.
Quản lý Quỹ BHXH phải đảm bảo minh bạch và hiệu quả
* Một trong những nội dung dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang có nhiều ý kiến khác nhau là về tính hợp lý hay không hợp lý khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu; có ý kiến cho rằng, mục đích tăng tuổi nghỉ hưu chỉ nhằm cân đối Quỹ BHXH. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
– Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), tuổi nghỉ hưu của lao động nữ tăng lên 60 và lao động nam là 62. Tuy nhiên, không phải áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng lao động mà phân biệt rất rõ theo từng nhóm. Với những nhóm lao động nặng nhọc hoặc suy giảm khả năng lao động thì vẫn giữ nguyên như hiện hành. Còn những người đủ sức khỏe, còn có khả năng cống hiến thì có thể kéo dài tuổi làm việc. Quy định như vậy không mâu thuẫn với Bộ luật Lao động 2012 mà chỉ cụ thể hơn nội dung về tuổi nghỉ hưu. Thực tế, tăng tuổi hưu chỉ là 1 trong 8 nhóm giải pháp để cân đối Quỹ BHXH gồm: Tăng đối tượng tham gia, tăng diện bao phủ BHXH, BHYT; Thiết kế lại mức đóng hưởng, trong đó có tính đến khả năng kéo dài thời gian đóng; Hạn chế hưởng chế độ BHXH một lần nhằm hướng tới mục tiêu an sinh xã hội lâu dài cho NLĐ; Xác định mức thu nhập đóng BHXH; Đầu tư hiệu quả Quỹ BHXH; Khắc phục tình trạng nợ đọng, tăng các chế tài xử lý để khắc phục chậm đóng và trốn đóng BHXH, BHYT; Nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý, giảm chi phí hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động; Chuyển một phần kết dư của quỹ ngắn hạn sang Quỹ hưu trí và tử tuất.
Bên cạnh đó, quy định về tuổi nghỉ hưu hiện hành ở nước ta thực hiện từ năm 1960 vẫn giữ nguyên đến nay, trong khi các nước trên thế giới đã điều chỉnh khá nhiều, có nơi tuổi nghỉ hưu lên 65- 67 tuổi. Hơn nữa, tuổi thọ bình quân người Việt Nam cũng đã tăng nhiều so với năm 1960. Tỉ lệ số người đóng BHXH trên 1 người hưởng lương hưu đang ngày càng giảm đi, từ 271 người đóng/1 người hưởng lương hưu vào năm 1996, đến năm 2012 chỉ còn 9,3 người đóng/1 người hưởng. Tôi cho rằng, dự Luật lần này đề cập nâng tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn tính đến sự hợp lý, không áp đặt cho một nhóm đối tượng nào. Tuy nhiên, trước mắt có thể áp dụng như Bộ luật Lao động và tính toán lộ trình phù hợp hơn.
* Có ý kiến cho rằng, chi phí quản lý bộ máy đang được “lấy” từ nguồn tiền đóng góp của NLĐ và điều đó không đúng với nguyên tắc tài chính cũng như nguyên tắc của một Quỹ an sinh xã hội, thưa bà?
– Chúng ta cần hiểu đúng về hoạt động quản lý Quỹ BHXH. Trong Luật BHXH 2006 đã quy định: Chi phí quản lý BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện hằng năm được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư Quỹ.
Như vậy, cơ quan BHXH không sử dụng nguồn tiền đóng góp của NLĐ cho hoạt động quản lý mà chỉ sử dụng một phần nhỏ lãi từ hoạt động tăng trưởng quỹ. Với tính chất của một quỹ an sinh xã hội, Quỹ BHXH được quy định rất cụ thể, chặt chẽ cho cơ quan BHXH từ các hình thức đầu tư tăng trưởng quỹ, đến kinh phí quản lý được phép sử dụng. Toàn bộ số tiền gốc của NLĐ được bảo toàn, đầu tư và sinh lời để bảo tồn quỹ.
Chi phí quản lý của cơ quan BHXH không chỉ chi cho hoạt động bộ máy, quản lý quỹ mà quan trọng hơn còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Tuyên truyền, phát triển đối tượng, quản lý đối tượng hưởng BHXH, ứng dụng CNTT, cải cách hành chính… Thực tế, cán bộ ngành BHXH đang phải gánh khối lượng công việc rất lớn. Tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố lớn khác, mỗi cán bộ thu BHXH phải chịu trách nhiệm làm công tác thu của 200- 300 DN, đây là áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ BHXH…
Về nguyên tắc, bất cứ một bộ máy nào hoạt động cũng cần được đảm bảo điều kiện tài chính. Thực tế là chúng ta đang chi tiền cho bộ máy BHXH tiết kiệm hơn rất nhiều nước, kể cả một số nước phát triển. Theo tính toán, khi chính sách BHXH ngày càng ổn định, tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH chậm lại dẫn tới giảm biên chế một số vị trí làm việc, thì chi phí hành chính cũng sẽ giảm tương ứng.
Do đó, để việc xác định chi phí quản lý BHXH được chính xác và có sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời tạo điều kiện cho ngành BHXH chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, đề nghị với Quốc hội sửa Khoản 2, Điều 90 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) như sau: “Chi phí quản lý BHXH được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư Quỹ BHXH tính trên số thực thu hàng năm để phục vụ tuyên truyền, phát triển đối tượng, quản lý Quỹ, quản lý đối tượng hưởng BHXH, CNTT, cải cách hành chính, hoạt động bộ máy. Mức cụ thể do Chính phủ quy định sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ 3 đến 5 năm 1 lần”.
* Cũng liên quan đến việc quản lý thu- chi Quỹ BHXH. Thực tế, có những trường hợp NLĐ đã trích trừ lương đóng BHXH theo trách nhiệm của mình, nhưng do người SDLĐ chưa nộp hoặc không nộp cho cơ quan BHXH thì NLĐ sẽ không được giải quyết các chế độ. Có ý kiến cho rằng, như thế là không công bằng, cơ quan BHXH đang “bắt chẹt” NLĐ. Theo bà, ở đây cần phải hiểu nguyên tắc “có đóng- có hưởng” như thế nào?
– Trước hết, cần phải nói rõ rằng, Quỹ BHXH được hình thành từ 3 nguồn đóng góp cơ bản: Đóng góp của người SDLĐ; NLĐ và hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, còn có tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ và một số nguồn thu hợp pháp khác. Xét trên nguyên tắc tài chính thì chỉ khi có đủ các yếu tố hình thành này, Quỹ BHXH mới có thể tiến hành chi trả. Hơn nữa, tỉ lệ đóng BHXH từ phía DN, chủ SDLĐ chiếm phần lớn hơn nhiều so với phần đóng góp của NLĐ. Như vậy, mặc dù NLĐ đã thực hiện trách nhiệm nộp BHXH của mình (chủ DN đã trích trừ từ lương) nhưng chủ DN không nộp BHXH.
Đứng trên lập trường bảo vệ NLĐ, nhiệm vụ của chúng ta là phải đấu tranh để các chủ DN, người SDLĐ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ trách nhiệm đóng nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Bởi nếu mới chỉ NLĐ thực hiện trách nhiệm đóng góp, còn người SDLĐ vẫn trốn tránh trách nhiệm, thì một mặt NLĐ bị thiệt thòi, Quỹ BHXH cũng bị thiệt hại với nguy cơ mất an toàn. Xét ở khía cạnh hạch toán kinh tế, tiền đóng BHXH, BHYT cho NLĐ cùng với quỹ lương của các DN đều đã được tính vào giá thành sản phẩm và là một yếu tố chi phí đầu vào trước thuế. Do đó, khi chủ SDLĐ không đóng BHXH, BHYT cho NLĐ là đã vi phạm pháp luật, xâm hại trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là phải làm sao để chủ SDLĐ phải tuân thủ nghiêm pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, như vậy cơ quan BHXH mới có nguồn để giải quyết chế độ cho NLĐ.
* Xin trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!