Ngoài ra, một số lời đề nghị được đưa ra với các DN này, đó là tuân thủ các khuyến cáo của chính quyền địa phương để hạn chế tối đa việc phát sinh thêm các thiệt hại từ các hành động quá khích; kiểm tra đơn bảo hiểm tài sản hiện tại có phạm vi bảo hiểm mở rộng cho các thiệt hại nói trên hay không; phối hợp chặt chẽ với nhà bảo hiểm trong việc xác định mức độ thiệt hại.
Các DN bảo hiểm cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, họ đã kịp thời phối hợp với các chủ DN có nhà máy, xưởng sản xuất bị tấn công…, đúng như chỉ đạo của Bộ Tài chính, giải quyết chi trả bồi thường kịp thời nhanh nhất có thể cho các DN là những khách hàng tham gia bảo hiểm.
Với sự cố tại Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, một lãnh đạo DN bảo hiểm cho biết, ngay sau sự cố, DN này đã chủ động liên hệ, phối hợp và hướng dẫn chủ đầu tư và các nhà thầu trong việc xác định các thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm. Hiện các công việc phối hợp giữa các bên đang được thực hiện khẩn trương để đảm bảo tối đa quyền lợi của chủ đầu tư và các nhà thầu. Ngay sau khi xác định được các thiệt hại thuộc phạm vi bảo hiểm, Bảo hiểm PVI sẽ khẩn trương bồi thường thiệt hại, tuân thủ đúng các quy định của hợp đồng bảo hiểm.
Còn tại Bình Dương, theo thống kê sơ bộ, có 27 trong tổng số 29 đơn vị bảo hiểm là các công ty thành viên của các DN bảo hiểm đang hoạt động tại tỉnh này có khách hàng bị thiệt hại. Bên bảo hiểm cũng đã họp bàn thống nhất phương án chi trả bảo hiểm cho các DN sản xuất – kinh doanh bị thiệt hại.
Từ phía cơ quan quản lý, Cục BH cùng với AVI vừa có công văn yêu cầu tổng giám đốc các DN bảo hiểm phi nhân thọ báo cáo mức độ thiệt hại từ các sự cố mới đây.
Việc thống kê thiệt hại cũng sẽ có sự tham gia của các bên liên quan để bồi thường theo cam kết tại hợp đồng đã ký. Để việc chi trả bảo hiểm tiến hành thuận lợi và nhanh chóng, có tỉnh còn lập ra hẳn một ban chỉ đạo để giải quyết bồi thường cho các DN. Do việc thống kê thiệt hại vẫn đang trong quá trình tập hợp nên chưa có số liệu công bố cụ thể.
Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các DN bảo hiểm phi nhân thọ trong nước thì mức độ thiệt hại là không quá lớn, có DN không có thiệt hại đáng kể nào.
Chẳng hạn, thiệt hại của các khách hàng của Bảo hiểm Bảo Việt là khoảng 2 – 3 tỷ đồng, của Bảo hiểm MIC chỉ khoảng 500 triệu đồng, một DN lớn khác ước đạt mức bồi thường bảo hiểm là 5 tỷ đồng. Các DN bảo hiểm phi nhân thọ có vốn góp của cổ đông Đài Loan như Cathay, Fubon, Phú Hưng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn.
Cần nhắc lại rằng, theo các mẫu hợp đồng bảo hiểm tài sản (mọi rủi ro tài sản, mọi rủi ro xây dựng lắp đặt…) thông thường của các DN bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam thì không bảo hiểm cho các thiệt hại xuất phát từ các hành động đình công, đập phá.
Tuy nhiên, trong thực tế, các DN vẫn thường cung cấp bảo hiểm cho các thiệt hại nói trên dưới hình thức điều khoản mở rộng kèm theo đơn bảo hiểm chính. Cũng bởi một số dự án đầu tư lớn và phức tạp nên ngay từ giai đoạn tư vấn chủ đầu tư mua đơn bảo hiểm xây dựng lắp đặt đã được các DN bảo hiểm thiết kế và cung cấp điều khoản bảo hiểm mở rộng cho hành động đình công, bạo loạn với mức giới hạn bồi thường phù hợp với dự án. Lớn và phức tạp ở chỗ có sự tham gia của rất nhiều nhà thầu, số lượng công nhân trong nước và nước ngoài trên công trình lúc cao điểm lên tới hàng chục nghìn người.
Thế nhưng, qua các sự cố vừa qua, lãnh đạo một DN bảo hiểm cho biết, các DN đã đến lúc phải nhìn nhận lại về rủi ro đình công. Bởi thực tế, trước khi xảy ra những vụ việc trên, hầu hết DN bảo hiểm đều cung cấp phạm vi bảo hiểm nêu trên gần như miễn phí nên đã đến lúc họ sẽ phải tính phí phù hợp với đặc thù rủi ro này, cũng như đảm bảo chi phí mua tái bảo hiểm.