Cụ thể, theo thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, ước tính số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường phi nhân thọ 6 tháng đầu năm 2019 là 9.334 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 37,02%; thấp hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2018 (41,19%). 21/31 doanh nghiệp bảo hiểm và chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường.
Tuy nhiên, vẫn còn 10 doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường của toàn thị trường; trong đó, 3 doanh nghiệp có tỷ lệ bồi thường trên 50% là Phú Hưng (113,39%); Bảo Việt (61,11%); BHV (56,53%).
Bồi thường bảo hiểm cao có ba nguyên nhân: thứ nhất, do nguồn tổn thất thật; thứ hai, do những nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai bão lũ; thứ ba là trục lợi bảo hiểm, với hai loại trục lợi là có tổn thất thật, nhưng giá trị tổn thất bị nâng cao so với giá trị thật và tổn thất được tự tạo ra.
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vào thời điểm những năm 2015 đã từng có tỷ lệ bồi thường trung bình của toàn thị trường lên tới 45%, trong đó có một số doanh nghiệp tỷ lệ bồi thường cao từ 55% lên đến hơn 200% (những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao như nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ…).
Thời gian sau đó, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm chủ lực mang tính thương hiệu của doanh nghiệp, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đưa ra nhiều biện pháp để kiểm soát rủi ro, đặc biệt là những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao như nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ…
Theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc chấp nhận được là dưới 40%, chính vì thế, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 37,02% trong nửa đầu năm 2019 được nhìn nhận là một nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.
“Tỷ lệ bồi thường của các doanh nghiệp giảm xuống trong thời gian gần đây là do các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn tiếp tục chiến lược kiểm soát và thắt chặt “đầu vào” với những nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.
Dù tỷ lệ bồi thường đang được các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động kiểm soát chặt chẽ, nhưng thực tế với những tổn thất bất khả kháng do mưa lũ, thiên tai hay tai nạn liên tục xảy ra thời gian qua có thể làm tỷ lệ bồi thường này thay đổi.
Chẳng hạn, vụ chìm tàu Vietsun Integrity vào trung tuần tháng 10 năm 2019 với 285 container hàng hóa.
Thông tin ban đầu do chủ hàng cung cấp, hàng hóa trong các container là hải sản đông lạnh, vật liệu xây dựng, gạo, cám…, không có các loại hàng hóa là chất gây nguy hại. Tuy vậy, thiệt hại cũng không hề nhỏ.
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, một doanh nghiệp bảo hiểm Top đầu thị trường đang ước thiệt hại lên đến gần 20 tỷ đồng, bao gồm thiệt lại về tàu và các container hàng hóa trên tàu.
Doanh nghiệp này đang yêu cầu các chi nhánh kiểm tra lại tất cả các đơn bảo hiểm liên quan có phương án xử lý. Trong khi đó, một số doanh nghiệp bảo hiểm khác như Bảo Minh, BIC cũng xác nhận có bảo hiểm một vài lô hàng trên tàu Vietsun Integrity…
Hay như vụ cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, theo ước tính, số tiền bảo hiểm là 450 tỷ đồng, số tiền bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm khoảng 150 tỷ đồng. Công ty này đã mua bảo hiểm cháy nổ của PVI.
Với vụ hỏa hoạn xảy ra tại kho của Công ty cổ phần Logistics Pan Pacific trong Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Dĩ An, Bình Dương, hàng hóa trong kho vận hành theo quy trình, được mua bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm phòng cháy chữa cháy cũng được đánh giá là một vụ tổn thất lớn…
Mặc dù với các vụ bảo hiểm có giá trị lớn, các công ty bảo hiểm trong nước đã tái bảo hiểm hầu hết, nhưng giá trị giữ lại phải đền bù của mỗi công ty cũng không phải nhỏ.
Ngoài ra, còn rất nhiều vụ bồi thường có giá trị mà các công ty bảo hiểm vì nhiều lý do khác nhau không muốn công bố. Thế nên, tỷ lệ bồi thường năm 2019 có tiếp tục giữ được con số “đẹp” như nửa đầu năm 2019 vẫn còn là ẩn số.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn