Ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, phụ trách lĩnh vực bảo hiểm và dịch vụ kế toán pháp lý cho biết, Việt Nam đang là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh có nhiều triển vọng nhất. Sự tăng trưởng thu nhập và phí bảo hiểm đã giúp cho Việt Nam lọt vào top 2 thị trường thu hút các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.
Báo cáo của EY nêu rõ, ở nhiều nền kinh tế mới nổi, toàn cầu hóa nhanh chóng phá vỡ nhiều rào cản văn hóa nhằm tăng trưởng ngành bảo hiểm. Một ví dụ điển hình là việc mở rộng tầng lớp trung lưu và các thành viên gia đình từng ở nhà để chăm sóc con cái và người cao tuổi đang bước vào lực lượng lao động và không còn có thể chăm sóc gia đình nhiều như trước. Kết quả là, doanh số bán hàng của sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và khuyết tật dài hạn đang leo thang đáng kể tại các quốc gia này.
Xu hướng này giúp giải thích hiện tượng tăng trưởng thị trường bảo hiểm nhanh ở các quốc gia như Việt Nam, Indonesia hay Saudi Arabia.
Theo dự báo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành sẽ đạt 51.632 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2013, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 26.380 tỷ đồng, tăng 8%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 25.252 tỷ đồng, tăng khoảng 11,5%…
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành bảo hiểm cũng cảnh báo, trong bối cảnh các cơ hội và rủi ro của các thị trường phát triển nhanh đang ngày càng trở nên phức tạp, các doanh nghiệp bảo hiểm cần thận trọng đánh giá lại chiến lược, nhằm xác định phương án đầu tư phù hợp.
Nhưng chưa bền vững
Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm qua được đánh giá là đã vượt qua “sóng gió” để về đích khá ngoạn mục. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, thị trường vẫn còn khá nhiều tồn tại làm đau đầu các nhà quản lý.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm Việt Nam, khối nhân thọ vẫn còn tình trạng tranh chấp, lôi kéo lao động có tay nghề cao. Đội ngũ này thường được đào tạo ở nước ngoài nên rất thiếu. Một hiện tượng khác, đã được các cơ quan chức năng nhắc nhở, nhưng vẫn tồn tại, là việc chiếm dụng đại lý của doanh nghiệp khác. Cùng với đó là việc quản lý đại lý còn hạn chế, như chưa thu hồi được hoa hồng của các hợp đồng hủy trong thời gian cân nhắc… Có doanh nghiệp còn lúng túng trong xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, chưa tận dụng hết các thế mạnh vốn có để phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
Trong khi đó, đối với khối phi nhân thọ, dù tăng trưởng nhưng chưa bền vững. Số lượng doanh nghiệp bảo hiểm lỗ hoạt động kinh doanh bảo hiểm vẫn chiếm 50% (15/29 doanh nghiệp). Trong khi đó, tình trạng trục lợi bảo hiểm diễn ra ngày càng nhiều, quy mô ngày càng tăng, phổ biến ở một số nghiệp vụ như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm con người…
Các doanh nghiệp khối này cũng chưa phối hợp, chia sẻ thông tin, dẫn đến chưa ngăn chặn được tình trạng trục lợi bảo hiểm. Ngoài ra, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh (như giảm phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm, tăng chi phí hoạt động kinh doanh…) vẫn tồn tại, dẫn đến khó khăn trong thu xếp tái bảo hiểm ra nước ngoài, cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, những vẫn đề này phải được quản lý ngay từ đầu, không để chậm trễ, dây dưa tiền bồi thường hoặc mất khả năng thanh toán tiền bồi thường.
“Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động tài chính hết sức nhạy cảm, có đầu tư tài chính từ dự phòng phí, dự phòng bồi thường. Nếu mất khả năng thanh toán, khách hàng đòi lại phí bảo hiểm sẽ gây rối thị trường tài chính”, ông Lộc nói.