Sửa đổi, bổ sung quy định cấp mã số BHXH, quy trình thu nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ

Ngày 5/3, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Quyết định số 595/QĐ-BHXH và Quyết định số 346/QĐ-BHXH. Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương. Hội nghị còn có sự tham dự của Phó Tổng giám đốc Bưu điện Việt Nam Lê Quốc Anh, các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam, lãnh đạo BHXH các địa phương trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, việc quản lý, cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT và quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là hai hoạt động nghiệp vụ có quan hệ mật thiết trong lĩnh vực thu. Đây còn là nền tảng quan trọng của cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH để BHXH Việt Nam thực hiện cung cấp dịch vụ công tại Cổng dịch vụ công quốc gia.

Mặc dù BHXH Việt Nam đang cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và nhận được sự đánh giá cao từ người dân và Chính phủ, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn cho thấy còn một số điểm cần sửa đổi, nhằm đáp ứng hơn nữa sự hài lòng của người dân, cũng như thực hiện chủ trương của BHXH Việt Nam về hoàn thiện quy trình nghiệp vụ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Cụ thể, quy chế Quản lý và cấp mã số BHXH cho người tham gia BHXH, BHYT được ban hành theo Quyết định 346/QĐ-BHXH sẽ được sửa đổi toàn diện, ban hành quy chế mới về Quản lý cơ sở dữ liệu hộ gia đình và mã số BHXH của người tham gia BHXH, BHYT.

Quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT được ban hành theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH sẽ được sửa đổi, bổ sung một số điều mới để khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Theo ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Thu, dự thảo Quy chế quản lý cơ sở dữ liệu hộ gia đình và mã số BHXH có một số điểm mới cần được bàn thảo, thống nhất từ các đơn vị nghiệp vụ và BHXH các địa phương. Cụ thể, về quy trình tăng, giảm thành viên hộ gia đình (HGĐ).

Hiện nay, với hệ thống dữ liệu HGĐ tham gia BHYT, ngành BHXH đã cấp mã số BHXH cho tất cả người dân trên toàn quốc. Việc cấp mới mã số BHXH chỉ dành cho các đối tượng: Trẻ em mới sinh, người nước ngoài tham gia BHXH, BHYT chưa được kê khai trong cơ sở dữ liệu HGĐ. Dự thảo quy định, các trường hợp chưa có mã số BHXH ngoài các đối tượng: trẻ em mới sinh, người nước ngoài tham gia BHXH, BHYT chưa được kê khai trong cơ sở dữ liệu HGĐ thì trách nhiệm “khớp thông tin” sẽ thuộc trách nhiệm của cán bộ sổ, thẻ.

Trường hợp thực hiện cập nhật giảm thành viên HGĐ do chết, ra nước ngoài định cư, căn cứ theo Mẫu số 01- BD do cán bộ sổ, thẻ trực tiếp phối hợp với UBND xã để kê khai.

Dự thảo cũng quy định cụ thể về phân cấp phê duyệt quản lý cấp mã số BHXH theo hệ thống ngành dọc. Theo đó, tổ kiểm soát cấp huyện, cấp tỉnh thực hiện kiểm soát quy trình thực hiện, kiểm tra, xác minh và đảm bảo thông tin người tham gia đề nghị cấp, hoàn thiện mã số BHXH và thành viên HGĐ được cập nhật vào phần mềm HGĐ khớp đúng, chính xác với hồ sơ.

BHXH Việt Nam sẽ xếp loại thi đua hằng tháng của BHXH các địa phương dựa trên báo cáo, phân tích thống kê. Đối với các đơn vị và cá nhân thực hiện không đúng, đầy đủ và trái với Quy chế này yêu cầu hoàn chỉnh dữ liệu đối với các trường hợp thực hiện không đúng, đầy đủ và trái với Quy chế. Tùy theo mức độ vi phạm, đề xuất hình thức xử lý trách nhiệm theo quy định của Ngành và pháp luật hiện hành.

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, các nội dung sửa đổi, bổ sung được tập trung vào 3 vấn đề sau: Tiếp nhận xử lý hồ sơ, cập nhật dữ liệu thu và quản lý đơn vị khó thu trên phần mềm quản lý.

Cụ thể, với việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, Dự thảo quy định, những đơn vị, người tham gia đang thực hiện hồ sơ giấy, thuê Bưu điện nhận hồ sơ sẽ chuyển sang hồ sơ điện tử để giao dịch điện tử với cơ quan BHXH (hoặc thuê nhập trực tiếp vào phần mềm quản lý thu). Đến cuối tháng, sẽ chuyển hồ sơ giấy về cơ quan BHXH để lưu trữ. Quy trình tiếp nhận hồ sơ được phân cấp như sau: toàn bộ hồ sơ phải chuyển về Bộ phận tiếp nhận hồ sơ để theo dõi, phân loại, và chuyển về Phòng/Tổ cấp sổ, thẻ. Sau khi phân loại, Phòng/Tổ cấp sổ, thẻ chuyển ngay cho Phòng/Tổ quản lý thu hồ sơ đã có đủ mã số BHXH. Đối với hồ sơ chưa đủ mã số BHXH, thực hiện cấp mã số BHXH theo quy định và chuyển hồ sơ đã được cấp mã số BHXH cho Phòng Tổ quản lý thu.

Đối với công tác cập nhật dữ liệu thu, về nguyên tắc, phải thực hiện hạch toán, theo dõi hằng ngày, “chốt” số phải thu, số đã thu, số còn phải thu chi tiết từng quỹ thành phần của từng người tham gia. Dữ liệu cũng tự động chuyển về báo cáo BHXH Việt Nam trong ngày. Đồng nghĩa, NLĐ tham gia BHXH, BHYT… sẽ được hưởng quyền lợi theo quy định vào ngay sau thời điểm hoàn thiện các thủ tục tham gia.

Đối với các đơn vị nợ khó thu, sau khi được cán bộ thu thực hiện cắt giảm việc tham gia BHXH BHYT, BH thất nghiệp tại đơn vị nợ này, NLĐ sẽ được ghi nhận quá trình đóng tại đơn vị, lưu vào cơ sở dữ liệu của người tham gia thông qua phần mềm quản lý.

Theo ông Dương Văn Hào, những kiến nghị này sẽ được Ban Thu tiếp thu và tiếp tục chỉnh lý. “Quan điểm chung trong việc soạn thảo các văn bản hướng dẫn này là phải quy định chặt chẽ, ngăn ngừa không để xảy ra trường hợp lạm quyền, sửa đổi thông tin để gian lận và trục lợi BHXH…”, ông Hào cho biết.

Kết thúc Hội thảo, Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu Ban Thu ghi nhận các ý kiến đóng góp để bổ sung, sửa đổi các dự thảo hướng dẫn nghiệp vụ theo yêu cầu nêu trên. Đảm bảo người tham gia các chế độ, chính sách trên được hưởng quyền lợi theo luật định ngay sau thời điểm hoàn thiện các thủ tục đăng ký tham gia. Đặc biệt, Phó Tổng giám đốc yêu cầu Trung tâm CNTT sẽ là đầu mối thành lập nhóm sửa đổi và nâng cấp phần mềm nghiệp vụ đáp ứng được tiến độ, cũng như đảm bảo chất lượng để vận hành ngay sau khi các quy định được BHXH Việt Nam ban hành và có hiệu lực./.

Theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.