Sợ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Chờ đợi mỏi mòn, thủ tục hành chính rườm rà, chất lượng khám và chữa bệnh chưa đảm bảo… đã khiến người dân “sợ” khi phải đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Điều này đã cản trở chính sách chăm lo sức khỏe y tế cho người dân của Chính phủ, qua việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT tự nguyện.

Điệp khúc… chờ

Từ Bình Định vào TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thị Hòa tới thẳng bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh để đăng ký khám bệnh khi mới 6 giờ sáng. Tuy nhiên, sau khi được nhân viên ở đây hướng dẫn, chị phải ngồi đợi khoảng 20 phút mới lấy được số thứ tự. Dù vậy, giai đoạn mệt mỏi nhất là ngồi chờ vào phòng khám. Lúc bấm lấy số thứ tự là khoảng 6 giờ 30, nhưng phải đến hơn 8 giờ, chị Hòa mới được vào phòng khám tổng quát. Tại phòng khám, bác sỹ chỉ hỏi vài câu và nghe kể một vài triệu chứng, sau đó viết giấy cho chị đi làm các xét nghiệm khác. Từ đây, chị Hòa lại tiếp tục lấy số và ngồi chờ ở các phòng xét nghiệm khác.

Hai khâu khiến bệnh nhân phải chờ đợi nhiều nhất là làm thủ tục chi trả BHYT và đợi lấy thuốc.

Anh Phan Văn Tuấn, người nhà của một bệnh nhân tại bệnh viện này, cũng cho biết: “Từ 7 giờ 30 sáng tôi đã lấy số thứ tự khám tổng quát, nhưng phải tới hơn 9 giờ, mẹ tôi mới được vô khám. Cụ vào chưa được 5 phút thì đã thấy đi ra. Khám bệnh gì mà chờ đợi cả hơn một tiếng chỉ được bác sỹ khám vài phút là xong. Không biết khám có ra đúng bệnh không nữa”.

Tại nhiều bệnh viện khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như: Chợ Rẫy, Ung Bướu, Nguyễn Tri Phương, bệnh viện Quận 3… người dân khám bệnh BHYT cũng luôn phải rồng rắn xếp hàng và mệt mỏi chờ đợi tới lượt khám. Đa số các bệnh nhân đều cho rằng, để hoàn tất quy trình khám bệnh ít nhất cũng mất một ngày. Công đoạn khiến bệnh nhân tốn nhiều thời gian chờ đợi nhất vẫn là khâu chờ bác sỹ thăm khám, chụp chiếu, thanh toán BHYT và khâu nhận thuốc. Bởi vậy, nhiều người có thẻ BHYT tế do cơ quan, công ty cấp khi bệnh nhẹ đã “bỏ qua” thẻ BHYT, để đi khám dịch vụ hoặc ra nhà thuốc “khai bệnh” và mua thuốc về uống.

Chị Nguyễn Hoài Nhựt, làm cho một công ty tại quận 12, sau vài lần đi khám BHYT ở bệnh viện quận, bác sỹ chỉ hỏi qua loa vài câu, rồi cho thuốc uống. Bệnh mãi chẳng khỏi, chị đành tới phòng khám tư để khám và mua thuốc về uống. “Khám ở tuyến dưới thì sợ không đảm bảo, lại nhiều khi hết thuốc, mình phải bỏ tiền ra ngoài để mua thuốc, còn lên tuyến trên thì phải chờ đợi. Mỗi lần khám lại phải xin nghỉ việc một ngày. Thôi thì thà bỏ tiền ra khám dịch vụ cho đỡ mất thời gian, có khi còn được bác sỹ khám kỹ và tận tình hơn”, chị Nhựt chia sẻ. 

Bệnh nhân điều trị ngoại trú bằng thẻ BHYT thì mất thời gian chờ đợi khám bệnh như vậy, còn bệnh nhân điều trị nội trú thì phải nằm ghép 2 – 3 người/giường. Thậm chí, có những bệnh viện bệnh nhân nằm cả ra ngoài hành lang và dưới gầm giường do quá tải. Nhiều người bệnh cho biết, cực chẳng đã mới phải khám và điều trị bằng BHYT. Nếu có đủ tiền, không mắc các bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài, thì khó có người dân nào chịu mua BHYT để… rước nhiêu khê.

Thủ tục rườm rà

Dù các bệnh viện đã cố gắng đầu tư mở rộng khu khám bệnh, cải tiến quy trình, nhưng thời gian chờ đợi của bệnh nhân vẫn không giảm nhiều. Theo các bệnh viện, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên chính là các bệnh viện tuyến trên quá tải và một phần do thủ tục khám bệnh bằng BHYT rườm rà, tốn rất nhiều thời gian.

“Trước khi được bác sỹ khám bệnh bệnh nhân BHYT phải trải qua 4 khâu. Sau khi khám xong, bệnh nhân sẽ được bác sỹ cho toa thuốc và nộp toa thuốc tại khoa dược, sau đó lĩnh thuốc và hoàn thành các thủ tục để nhận lại thẻ BHYT. Đây là những quy định của BHYT, nên dù không muốn các bệnh viện vẫn phải làm. Bên cạnh những quy định của BHYT, chính các bệnh viện cũng đề ra những biện pháp để kiểm soát người khám bệnh BHYT, nhằm tránh trường hợp bị BHYT kiểm toán ngược lại khi phát hiện những trường hợp đáng nghi, hay làm sai quy trình. 

Còn theo bác sỹ Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Trưởng khoa Khám bệnh bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận trên 1.500 lượt bệnh nhân, trong đó bệnh nhân khám BHYT chiếm gần 50%. “Trước đây, bệnh nhân khám theo BHYT chỉ cần một chữ ký của bác sỹ, nhưng từ khi thực hiện theo quy định mới của BHXH, hồ sơ phải có đủ hai chữ ký, gồm của bác sỹ điều trị, ban giám đốc và dấu tròn của bệnh viện. Bên cạnh đó, thủ tục thanh toán còn rườm rà, bệnh nhân phải ký vào giấy thu phí và đơn thuốc. Điều này gây phiền hà và tăng thời gian chờ đợi của bệnh nhân”, bác sỹ Duyên cho biết.

Thủ tục đã nhiêu khê với bệnh nhân khám, nhưng với bệnh nhân chuyển viện thì còn lằng nhằng, rắc rối hơn, khi phải có đủ hồ sơ và sao y cả chục tờ giấy chuyển viện và các giấy tờ liên quan khác. “Mỗi lần làm giấy chuyển viện hệt như một lần nhừ người và tiêu tốn không ít tiền của. Phải chạy từ xã lên huyện rồi lên tỉnh mất khoảng 180 km để làm thủ tục. Cứ mỗi lần làm giấy chuyển viện là bỏ ít nhất một ngày mới xong”, anh Quốc Dũng, nhà ở Đắk Nông, đang điều trị viêm gan B ở bệnh viện Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh, bức xúc nói. Theo một bác sỹ ở bệnh viện Nhiệt Đới, bệnh nhân điều trị viêm gan ở tỉnh lên điều trị chiếm số lượng lớn, bởi các bệnh viện tuyến dưới không đáp ứng được điều trị đối với nhiều bệnh nhân bị viêm gan mạn tính do thiếu thuốc. “Từ lâu, bệnh viện đã kiến nghị đưa bệnh viêm gan mãn tính vào nhóm bệnh chỉ cần xin giấy chuyển viện có giá trị một năm để thuận lợi cho bệnh nhân khi tái khám, nhưng đến nay vẫn chưa được”, vị bác sĩ này nói.

Nhìn nhận về vấn đề này, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh, nói: “Hiện nay chúng tôi đã phối hợp với các bệnh viện tuyến quận như Bình Thạnh, Thủ Đức, Nhân Dân Gia Định… để cải tiến quy trình khám chữa bệnh như dùng thẻ BHYT có mã vạch, tăng số bàn khám hay “số hóa” trong khâu đăng ký, nhằm giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Tuy nhiên, các bệnh viện chuyên khoa và các bệnh viện lớn ở thành phố đều quá tải và quá tải theo giờ do bệnh nhân khám bệnh vượt tuyến quá nhiều. Thường bệnh nhân tập trung khám bệnh vào buổi sáng, nên dù có cải tiến thế nào về quy trình, thì bệnh nhân vẫn phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Còn đối với các thủ tục quy định về chuyển viện, chúng tôi phải tuân thủ theo quy định của BHXH Việt Nam”.

Theo ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Bộ Y tế, một khảo sát về quy trình khám chữa bệnh BHYT mới đây tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao, trong khi hạ tầng không đáp ứng được, nên thời gian khám bệnh của người dân kéo dài từ 3 – 4 tiếng với nhiều quy trình khác nhau. Còn theo bác sỹ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi bệnh nhân đến khám vẫn phải chờ hơn 3,5 giờ. Đó chỉ là riêng khâu khám bệnh ban đầu, chưa tính đến các khâu khác như xét nghiệm, siêu âm, CT…

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh: 

Cần có sự phân tuyến khám chữa bệnh 

Trong thời gian qua, ngành BHXH Thành phố đã phối hợp với ngành y tế, liên tục cải tiến quy trình khám chữa bệnh. Nhiều bệnh viện đã tăng bàn khám, bàn tiếp nhận bệnh nhân và đặt lịch hẹn qua tổng đài 1080, lấy số tự động… Đặc biệt hầu hết các bệnh viện Thành phố đã sử dụng thẻ BHYT có mã vạch, góp phần giảm một phần thủ tục hành chính, qua đó đã giảm thời gian tiếp nhận từ 3 phút xuống còn 1 phút/bệnh nhân. Để hướng tới y tế toàn dân và BHYT thực sự thực hiện đúng mục tiêu đề ra, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành BHXH và ngành y tế. Ngành y tế cần phải có sự phân tuyến và đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực ở các bệnh tuyến dưới và ngành BHXH phải thực hiện phân bố thẻ BHYT làm sao tránh tình trạng một bệnh viện có quá nhiều thẻ khám BHYT. 

PGS. TS Phạm Văn Bùi, Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương: 

Cần có sự phối hợp với hệ thống nhà thuốc tư 

Bệnh nhân đi khám bệnh theo diện BHYT rất khổ, vì vừa mất thời gian chờ đợi được khám, chờ đợi để lĩnh thuốc BHYT. Không bệnh viện nào muốn bệnh nhân phải chờ đợi lâu như vậy. Bệnh viện cũng đã mở thêm nhiều bàn phát thuốc, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu khám bệnh của người dân bởi hầu hết các bệnh viện tuyến trên đều đang trong tình trạng quá tải. Theo tôi, nếu chúng ta quản lý được chất lượng thuốc, giá thuốc và các nhà thuốc tư phối hợp với BHYT, từ đó bệnh viện sẽ chỉ cần kê toa thuốc, còn bệnh nhân có thể cầm toa thuốc đó đến bất kỳ nhà thuốc nào có đăng ký BHYT để lấy thuốc. Hiện nay, một số nước đã thực hiện được phương pháp này. Tuy nhiên để làm được điều này, chúng ta cần phải có một hệ thống quản lý thật chặt. 

Bác sỹ Nguyễn Thanh Minh, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp – quản lý chất lượng, Trưởng ban BHYT bệnh viện Hoàn Mỹ: 

Chưa tận dụng triệt để trong ứng dụng công nghệ thông tin 

Bệnh viện chúng tôi đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc làm thủ tục hành chính, tuy nhiên việc ứng dụng này vẫn chưa được thực hiện triệt để. Đối với bệnh nhân đi khám bệnh không dùng BHYT thì chúng tôi đã sử dụng được bệnh án điện tử, không phụ thuộc vào hồ sơ giấy, nhất là đối với bệnh nhân khám dài hạn. Còn đối với bệnh nhân khám BHYT thì vẫn đang khó thực hiện, bởi bệnh án điện tử hay hồ sơ điện tử, chữ ký điện tử vẫn chưa được công nhận chính thức ở Việt Nam. BHYT hiện vẫn dựa vào bệnh án bằng giấy để thanh toán, nên các bác sỹ phải làm cả hai công, vừa đánh máy, vừa viết ra giấy rất mất thời gian.

 

Bảo Hiểm Bảo Việt (theo baotintuc.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.