Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiến hành lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành về đóng góp dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) thay thế cho Nghị định 105/2014 – NĐ-CP.
Theo Dự thảo, về đối tượng tham gia BHYT sẽ được chia thành 3 nhóm: Nhóm do người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng và nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng.
Cụ thể, với nhóm do NLĐ và NSDLĐ đóng bổ sung thêm điểm mới “NLĐ là người nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên và được trả lương tại Việt Nam (trừ trường hợp có quy định khác tại Hiệp ước hoặc Điều ước được ký kết mà Việt Nam là thành viên) thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc. Với nhóm được ngân sách Nhà nước đóng sẽ gồm: Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế; Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định; người nhiễm HIV/AIDS. Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng, gồm: Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội và của cán bộ, công chức, viên chức và NLĐ đang làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng.
Các quầy khám, phát thuốc BHYT luôn đông bệnh nhân.Ảnh minh họa |
Về mức hỗ trợ, từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2017: Giữ nguyên quy định tại Nghị định 105. Từ 1/1/2018, nâng mức hỗ trợ từ 70% lên 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo; nâng mức hỗ trợ từ 30% đến tối thiểu 50% mức đóng BHYT đối với học sinh – sinh viên; nâng mức hỗ trợ từ 30% đến tối thiểu 50% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; hỗ trợ tối thiểu 20% mức đóng BHYT đối với thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng và của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân.
Chia sẻ thông tin về những điểm mới trong Dự thảo này, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, điểm nổi bật của Dự thảo là đưa những người lao động nước ngoài hợp pháp ở Việt Nam, hưởng lương và có văn phòng ở Việt Nam là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm, nhằm khắc phục những bất cập của Nghị định 105 mà Luật BHYT đã quy định, nhưng chưa có cơ chế hướng dẫn nên chưa được thực hiện đồng bộ trên cả nước.
Hơn nữa, Dự thảo đã mạnh dạn đưa mức hỗ trợ BHYT của người cận nghèo là 100% thay vì 70% như hiện nay; hộ cận nghèo mới thoát nghèo sẽ được hỗ trợ trong 5 năm từ 2018; những đối tượng nhiễm HIV có thẻ BHYT được thanh toán thuốc điều trị ARV theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các đơn vị chức năng cũng đang bàn thảo mở rộng quyền lợi cho trẻ em dưới sáu tuổi được chi trả một số sản phẩm dinh dưỡng nhưng mang tính chất đặc thù theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Vấn đề này phải được thảo luận cặn kẽ để làm sao không vướng Luật, nghĩa là sản phẩm đó phải được Bộ Y tế quy định là thuốc đồng thời không tạo kẽ hở cho một số doanh nghiệp lợi dụng.
Cũng theo ông Phạm Lương Sơn, mục tiêu hướng đến của lần sửa đổi, bổ sung Nghị định lần này là đảm bảo phát triển BHYT bền vững để tiến tới BHYT toàn dân; mở rộng quyền lợi người tham gia bảo hiểm y tế theo hướng công bằng và đúng nguyên lý của bảo hiểm (là nguyên lý số đông, nguyên lý đóng- hưởng, nguyên lý công bằng trong thụ hưởng). Đồng thời, đảm bảo quản lý sử dụng BHYT không lãng phí. Ví dụ theo quy định hiện hành, việc phân bổ 20% quỹ BHYT ngoại trú về các trạm y tế, nhưng nơi thừa, nơi thiếu. Do đó, phải làm sao trạm y tế đó phải thực hiện như một trung tâm bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe, cung cấp dịch vụ y tế thiết yếu, chỉ định đến những cơ sở dịch vụ nhanh nhất, hiệu quả nhất cho người bệnh mà thoát ly toàn bộ những thủ tục hành chính thông thường.
theo laodongthudo.vn