Theo Ban soạn thảo, Dự thảo mới nhất đã sửa đổi, bổ sung quy định về hợp đồng thông dụng, theo hướng chỉ quy định về những hợp đồng mang tính đặc trưng và đại diện. Do đó, Bộ luật sửa đổi sẽ không quy định về hợp đồng bảo hiểm cũng như một số hợp đồng khác như hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng thuê nhà ở.
Trước đó, cách đây hơn 1 tháng, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) đã đề nghị rút quy định về hợp đồng bảo hiểm ra khỏi Bộ luật Dân sự tại công văn đóng góp ý kiến sửa đổi Bộ luật gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Ban soạn thảo.
Theo AVI, có 7 lý do để Bộ luật không nên đưa quy định về hợp đồng bảo hiểm vào, với lập luận chung là: hoạt động kinh doanh bảo hiểm là có điều kiện và đã được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành (Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt các Nghị định, Thông tư hướng dẫn rất chi tiết) nên nếu đưa vào Bộ luật Dân sự sẽ rất phức tạp.
Theo các thành viên thị trường, việc Bộ luật Dân sự hiện hành phân chia bảo hiểm theo loại hợp đồng bảo hiểm: tài sản, trách nhiệm dân sự, con người là chưa đầy đủ đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, chăm sóc y tế, ốm đau thương tật, bồi dưỡng, cấp dưỡng, giảm sút thu nhập, phục hồi chức năng, thay thế bộ phận nhân tạo… Trong khi đó, luật kinh doanh bảo hiểm chia bảo hiểm thành 3 loại là bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Chưa kể, Luật kinh doanh bảo hiểm quy định các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe do Bộ Tài chính phê duyệt trước khi triển khai gồm quy tắc điều khoản biểu phí, nội dung hợp đồng, các giả định và minh họa bán hàng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đồng tình cho rằng, nếu đưa nội dung bảo hiểm vào Bộ luật Dân sự thì sẽ rất phức tạp, nhất là trong điều kiện thực tế pháp lý, thực tế hoạt động liên quan đến bảo hiểm mang tính chuyên ngành cao. Cụ thể, gần đây, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư riêng biệt về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm hưu trí tự nguyện và Quỹ bảo hiểm hưu trí.
“Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng các nhà máy điện năng lượng nguyên tử, Bộ Tài chính đang chuẩn bị hình thành Quỹ bảo hiểm năng lượng nguyên tử để bảo hiểm cho các nhà máy điện. Đây là rủi ro lại trừ đối với tất cả sản phẩm bảo hiểm khác hiện nay. Vì vậy, nội dung hoạt động và hợp đồng bảo hiểm năng lượng nguyên tử sẽ có nhiều đặc thù chưa thể đưa vào Bộ luật Dân sự được”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn chia sẻ quan điểm đồng tình với AVI.
AVI cũng đề xuất, nếu quyết đưa quy định liên quan đến bảo hiểm vào Bộ luật Dân sự thì cần có sửa đổi, bổ sung phù hợp. Chẳng hạn, Luật kinh doanh bảo hiểm còn quy định loại hình tổ chức bảo hiểm bao gồm cả hợp tác xã bảo hiểm và tổ chức tương hỗ bảo hiểm, trong đó, người bảo hiểm và người được bảo hiểm là một khối thống nhất. Do đó, nếu đưa nội dung hợp đồng bảo hiểm vào Bộ luật Dân sự thì cần có nội dung sửa đổi, bổ sung cho trường hợp hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa hợp tác xã bảo hiểm/hội tương hỗ bảo hiểm với xã viên/hội viên.
Hay với bảo hiểm nhân thọ, có loại nghiệp vụ bảo hiểm phi truyền thống đó là bảo hiểm liên kết đầu tư (gồm bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị) thì hiện Bộ Tài chính đã có Thông tư hướng dẫn thực hiện 2 loại bảo hiểm trên, nên nếu đưa vào Bộ Luật Dân sự thì cần có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Tuy nhiên, quan điểm cuối cùng từ các thành viên thị trường vẫn là Bộ Tư pháp nên bỏ chương hợp đồng bảo hiểm trong Bộ luật Dân sự hiện hành, để điều chỉnh bằng luật chuyên ngành là Luật Kinh doanh bảo hiểm.