Trong tuần, Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi liên quan đến chế độ BHXH một lần, BHTN và BHYT. Chúng tôi xin trích đăng một số câu hỏi và câu trả lời.
Điều kiện nhận BHXH một lần
Bạn đọc có số ĐTDĐ 01676495XXX gọi đến số điện thoại của Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi đang làm thủ tục nhận BHXH một lần và đã nộp sổ BHXH cho cơ quan BHXH. Tôi tiếp tục đi làm, Cty mới yêu cầu tôi phải nộp sổ BHXH để tham gia BHXH. Như vậy, tôi có được nhận BHXH một lần không?
Bạn đọc có số ĐTDĐ 0965337XXX gọi đến số điện thoại của Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi đã có quyết định nghỉ việc đến nay được gần 12 tháng. Do sổ BHXH của tôi có chi tiết sai, nên phải làm lại, mất hai tháng 2 sau, kể từ ngày có quyết định nghỉ việc mới lấy lại được sổ BHXH. Thời gian tính nhận BHXH một lần được tính từ ngày nào, từ ngày nhận được quyết định nghỉ việc hay kể từ ngày cấp lại sổ BHXH?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 60 Luật BHXH quy định: NLĐ quy định tại khoản 1, Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; b) Ra nước ngoài để định cư; c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; d) Trường hợp NLĐ quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/06/2015 có quy định: “…Trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần”.
Trường hợp thứ nhất: Nếu bạn đang làm thủ tục và đã nộp sổ BHXH cho cơ quan BHXH thì đã đủ điều kiện và được nhận BHXH một lần cho thời gian đã tham gia BHXH trước đó. Bạn chỉ cần thông báo cho Cty biết và đề nghị làm thủ tục để làm sổ BHXH mới. Các quyền lợi liên quan đến BHXH sẽ được tính kể từ khi tham gia BHXH lần sau này.
Trường hợp thứ hai: Do thời gian để đủ điều kiện hưởng BHXH một lần là 12 tháng kể từ ngày nghỉ việc, chứ không phải là thời gian nhận được sổ BHXH, nên thời gian hưởng BHXH một lần của bạn được tính từ ngày có quyết định nghỉ việc chứ không phải kể từ ngày nhận lại sổ BHXH.
Muốn nhận BHXH một lần phải sau 12 tháng kể từ ngày nghỉ việc. Ảnh Nam Dương |
Nghỉ hưởng chế độ thai sản có cần chốt sổ BHXH?
Bạn đọc có số ĐTDĐ 01225327XXX gọi đến số điện thoại của Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi đi làm cho Cty cũ đã đóng BHXH. Nay tôi đi làm cho Cty mới thì nghỉ sinh, vậy có cần chốt sổ BHXH ở Cty cũ để hưởng chế độ thai sản không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 31 Luật BHXH quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau: 1. NLĐ được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lao động nữ mang thai; b) Lao động nữ sinh con; c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; d) NLĐ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi; đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản; e) Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con. 2. NLĐ quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. 3. NLĐ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng BHXH từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. 4. NLĐ đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.
Như vậy, nếu bạn đã đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì không cần phải chốt số BHXH. Cty nơi bạn đang làm việc sẽ làm thủ tục gửi cơ quan BHXH để cơ quan BHXH chi trả chế độ thai sản cho bạn.
Khám bệnh khác tuyến có được trả đủ BHYT?
Bạn đọc có số ĐTDĐ 01676495XXX gọi đến số điện thoại của Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi tham gia BHYT và đăng ký nơi khám bệnh ban đầu là Bệnh viện Quận Gò Vấp, TPHCM. Nay tôi đi khám bệnh tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM thì có được thanh toán đầy đủ chế độ BHYT không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Theo quy định tại Điều 11, Thông tư 40/2015/TT-BYT, kể từ ngày 1.1.2016, đối tượng khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở khác nơi đăng ký ban đầu ghi trên thẻ vẫn được hưởng 100% quyền lợi BHYT trong những trường hợp sau: Khám chữa bệnh thông thường tại trạm y tế tuyến xã/phường hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến quận/huyện trong cùng địa bàn tỉnh nơi đăng ký BHYT; Khám chữa bệnh trong tình trạng cấp cứu, sau cấp cứu nếu tiếp tục điều trị nội trú tại cơ sở tiếp nhận cấp cứu vẫn hưởng bảo hiểm như bình thường; Khám chữa bệnh tại cơ sở khác tỉnh thành đăng ký BHYT nhưng tương đương với tuyến của cơ sở ghi trên thẻ đối với người tham gia bảo hiểm đi công tác, học tập làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng ở địa phương đó. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh khác có tổ chức khám, chữa bệnh BHYT ban đầu.
Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM được UBND TPHCM xếp hạng I trực thuộc Sở Y tế TPHCM. Do đó, nếu bạn không được Bệnh viện Quận Gò Vấp chuyển đến Bệnh viện Tai Mũi Họng thì không được coi là khám bệnh đúng tuyến (trừ trường hợp cấp cứu). Do đó, bạn sẽ không được hưởng 100% quyền lợi về BHYT như khám bệnh đúng tuyến.
Nghỉ việc từ 2014 có đăng ký BHTN được không?
Bạn đọc có số ĐTDĐ 0961959XXX gọi đến số điện thoại của Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi nghỉ việc từ năm 2014. Đến nay, tôi muốn đi đăng ký thất nghiệp để được hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) được không?
Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 1, Điều 46 Luật Việc làm quy định: Trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc, NLĐ nộp hồ sơ hưởng TCTN tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập.
Do bạn đã nghỉ việc từ năm 2014, đến nay đã quá thời hạn (03 tháng) đăng ký thất nghiệp, do đó bạn không được quyền đăng ký hưởng TCTN ngay bây giờ. Thời gian đã tham gia BHTN của bạn được bảo lưu và cộng dồn để tính TCTN cho lần sau khi bạn đủ điều kiện.
theo laodong.com.vn