Quy định nhóm tội danh vi phạm về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vào Bộ Luật Hình sự (sửa đổi)

Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10, theo đó, lần đầu tiên đã đưa nhóm tội danh vi phạm BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vào phạm vi chịu trách nhiệm hình sự. Mức phạt dành cho các tội danh này cũng được xây dựng ở mức đảm bảo hiệu quả răn đe với số tiền phạt tối đa lên đến 3 tỷ đồng, phạt tù đến 10 năm…

Luat HS 021215.JPG
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua lần này gồm 26 chương, 426 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Trong lần sửa đổi này, lần đầu tiên các nhóm tội danh về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã được đưa vào phạm vi chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Bộ Luật quy định nhóm tội danh này trong 03 Điều: 214 – Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp; 215 – Tội gian lận BHYT; và Điều 216 – Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ. Các tội danh này thuộc Mục B “Các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm” của Chương XVIII- Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

Theo đó, Điều 214 về “Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp” quy định: cá nhân thực hiện các hành vi chiếm đoạt tiền BHXH, BH thất nghiệp từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các Điều 174 (Lừa đảo chiếm đoạt tài sản), 353 (Tham ô tài sản) và 355 (Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Các hành vi nói trên bao gồm: lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, hồ sơ BH thất nghiệp lừa dối cơ quan BHXH; dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị làm sai lệch nội dung lừa dối cơ quan BHXH hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp.

Điều 215 về “Tội gian lận BHYT” quy định: các hành vi chiếm đoạt tiền BHYT từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 (nêu trên) Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Các hành vi gian lận BHYT được xác định là: lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong KCB hưởng chế độ BHYT trái quy định.

Trong cả hai điều luật này, Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) đều quy định mức phạt từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm được áp dụng cho một trong các trường hợp vi phạm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; chiếm đoạt số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; gây thiệt hại từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm trong các trường hợp: Chiếm đoạt số tiền 500 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 216 về “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ” cũng gồm 03 khoản, quy định các mức phạt khác nhau theo mức độ vi phạm.

Cụ thể, Bộ Luật quy định: phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên với số tiền từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng (hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 NLĐ), đồng thời đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm: phạm tội 02 lần trở lên; trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ (từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc của 10 đến dưới 50 NLĐ từ 6 tháng trở lên, và vẫn tái phạm sau khi đã xử phạt vi phạm hành chính).

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ (số tiền từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, hoặc của từ 50 người đến dưới 200 người).

Điều 216 cũng quy định người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trong 03 tội danh này, Bộ Luật cũng quy định đối tượng pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự trong Điều 216 về “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ”. Việc mở rộng đối tượng hình sự sang pháp nhân thay vì chỉ cá nhân như hiện nay là một điểm mới của Bộ Luật Hình sự (sửa đổi). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳnh định: việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào Bộ Luật Hình sự lần này là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo đó, pháp nhân phạm tội quy định tại Điều 216 thì bị phạt như sau: phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng.

Với những nội dung mới này, Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực trong năm 2016 được kỳ vọng sẽ bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi chính sách an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi của NLĐ./.

 

Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baohiemxahoi.gov.vn)

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.