Người lao động ở khu vực phi chính thức cũng sẽ được tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp
Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện cả nước có tới 60% lao động không chính thức, không hợp đồng lao động. Số lao động tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ) còn thấp. Trong khi đó, theo thống kê, đa số lao động đang làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tai nạn cao.
Theo một chuyên gia lao động (xin giấu tên), hiện mỗi năm có tới 700 người tử vong vì tai nạn lao động, trong khi đó Quỹ BHTNLĐ dư tới 16.000 tỷ đồng là một nghịch lý.
Ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, từ bất cập trên Bộ đã kiến nghị đưa người lao động ở khu vực phi chính thức cũng sẽ được tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp và được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí tham gia.
Nội dung này được xem là điểm mới của Dự thảo luật An toàn – Vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Tai nạn lao động vẫn là vấn đề nhức nhối |
Ông Thắng cho hay, dự thảo luật đề xuất nhà nước hỗ trợ 50% cho người lao động không có hợp đồng lao động tham gia quỹ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp (BHTNNN).
Ước tính, nếu có khoảng 1 triệu người trong khu vực này tham gia thì ngân sách nhà nước sẽ phải chi khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm. Còn đối với khu vực có quan hệ lao động, chủ sử dụng lao động vẫn phải đóng 1% vào quỹ BHTNNN như trước đây.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, Quỹ BHTNLĐ chưa bao quát hết được số lượng NLĐ bị tai nạn. Có nhiều lý do, nhưng căn bản nhất là khi xảy ra tai nạn, các chủ sử dụng lao động thường không báo với cơ quan chức năng, dẫn tới NLĐ bị thiệt thòi. Hiện, đã có 2 phương án chi được đưa ra: Hỗ trợ cho người bị TNLĐ và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc phòng ngừa tai nạn. Tuy nhiên, phương án cuối cùng thế nào phải do Quốc hội quyết.
Trả lời trên Tiền phong, ông Điều Bá Được, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (thuộc BHXH Việt Nam) cho biết, hiện có tới 11 triệu NLĐ tham gia BHTNLĐ. Quỹ này Chính phủ giao cho BHXH Việt Nam quản lý.
Theo ông Được, với khu vực lao động chính thức, đã có chủ sử dụng đóng. Khó nhất hiện nay là đối với khu vực lao động tự do, chưa xác định được chủ để đóng tiền bảo hiểm cho họ.
Lương hưu có thể sụt giảm từ 21-33%
Trước đó, Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11. Theo đó, lương hưu của người lao động sẽ giảm đáng kể. Trong khi đó vẫn có ý kiến đồng ý với phương án buộc lao động có hợp đồng thời hạn từ 1 đến 3 tháng phải tham gia bảo hiểm.
Mặc dù trước đó đã có nhiều ý kiến lo ngại. Theo Giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng Hồ Thủy nhận xét với quy định này thì trung bình lương hưu của cán bộ, công chức nhà nước sẽ sụt giảm từ 21% đến 24%; lực lượng vũ trang giảm từ 22% đến 33% (do có từ 5 năm đến 7 năm là học viên quân sự, công an, khi đó đóng BHXH trên nền tiền lương cơ sở).
Hơn nữa, tình trạng nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội đang ngày càng trở nên nhức nhối. Tính đến hết tháng 2 năm nay, cả nước đã có hơn 512 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 12 tháng trở lên, với số nợ trung bình trên 1 tỷ đồng/đơn vị.
Trong khi đó, Quỹ bảo hiểm xã hội lại đang đứng trước nguy cơ ‘vỡ”. Hàng năm, quỹ bảo hiểm xã hội chi trả cho trên 1,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng và trên 600 nghìn người hưởng một lần với tổng số tiền chi 60 nghìn tỷ đồng.
Ước tính, với quy mô tồn tích đến tháng 4 là 12.000 tỷ, số nợ đọng này đang tương đương 20% tổng số tiền lương hưu và trợ cấp trung bình hàng năm của người dân. Điều đó cũng có nghĩa, con số nợ trên nếu kéo dài, không thu được sẽ làm ảnh hưởng quyền lợi của khoảng 260.000 người già về hưu.
Bên cạnh đó, có khoảng 24.000 tỷ đồng “thất thoát” do việc đóng Quỹ bảo hiểm chỉ căn cứ vào tiền lương tối thiểu của Nhà nước mà không căn cứ theo thu nhập thực. Con số này bằng tới 40% quỹ lương hưu và trợ cấp xã hội trên và đủ để chi trả cho hơn 620 người già về hưu trong 1 năm.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo baodatviet.vn)