Sáng ngày 23/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trước mắt và lâu dài
Mở đầu phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, cũng như tham vấn, khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi, dự thảo Bộ luật Lao động tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung như về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, về giải quyết tranh chấp lao động và đình công; một số quy định chung; việc làm, tuyển dụng và quản lý lao động; hợp đồng lao động; tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; mức lương tối thiểu; Hội đồng tiền lương quốc gia; nâng lương, nâng bậc, chế độ phụ cấp, trợ cấp…Tuy nhiên vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau như mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về tuổi nghỉ hưu; thời giờ làm việc bình thường; nghỉ lễ, Tết; tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng, có nhiều nội dung được sửa đổi, có nhiều nội dung mới chưa có tiền lệ, có tác động nhiều mặt đến người lao động. Đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Quốc hội vừa có trách nhiệm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, vừa bảo đảm xây dựng luật pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong nước, đồng thời bảo đảm sự thận trọng, cân nhắc nhiều mặt để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động trước mắt và lâu dài.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho biết, đến nay dự án Luật vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã nêu và đề nghị Quốc hội xem xét thảo luận vừa thể hiện sự thận trọng, tích cực trong xây dựng lập pháp vừa bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cơ bán tán thành với nội dung tiếp thu giải trình
Phát biểu tại hội trường, đa số ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhất trí với bố cục, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung sửa đổi của Bộ luật. Các đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp này nhưng phải trên cơ sở thảo luận, cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nhiều chiều, phải có thêm đánh giá tác động toàn diện về các nội dung của dự án Bộ luật, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Các đại biểu bày tỏ nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động/khu vực phi chính thức. Điều này nhằm bảo đảm tốt các quyền an sinh xã hội, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật, thích ứng với tính linh hoạt của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang, và đại biểu Phùng Thị Thường – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, đều đề nghị bổ sung thêm quy định về bữa ăn ca cho người lao động. Các đại biểu Quốc hội cho rằng đây là vấn đề cấp bách hiện nay, khẩu phần chất lượng bữa ăn ca trong nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm dẫn đến nhiều vụ việc ngộ độc thực phẩm tập thể, người lao động bị suy dinh dưỡng, đình công… trong khi luật lại chưa có quy định. Qua lấy ý kiến người lao động, các đại biểu đề nghị Quốc hội nên xem xét quy định trong luật việc người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả, bảo đảm chất lượng bữa an ca, quy định tiền tối thiểu cho bữa ăn ca tương ứng với các mức mức độ lao động./.
Theo baohiemxahoi.gov.vn