Chiều ngày 26/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ LĐ- TB&XH thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật BHXH (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật BHXH (sửa đổi). Theo chương trình kỳ họp, sáng 29/5, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ và chiều 16/6 sẽ thảo luận ở hội trường về dự án luật này.
Cần thiết phải sửa đổi
Trình bày Tờ trình dự án Luật BHXH (sửa đổi, Bộ trưởng Bộ LĐ- TB&XH cho biết: Sau 6 năm thực hiện Luật BHXH, nhận thức của NLĐ, người SDLĐ đã chuyển biến tích cực, đối tượng tham gia BHXH ngày càng tăng. Nếu năm 2006 mới có 6,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc thì đến nay đã có hơn 10,6 triệu người (tăng gần 1,6 lần); năm 2008 có 6.110 người tham gia BHXH tự nguyện thì nay có 156.000 người.
Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH còn chậm, đặc biệt đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHXH bắt buộc mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động; số người tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 0,3% đối tượng thuộc diện tham gia. Tình trạng chậm đóng, nợ đóng BHXH xảy ra phổ biến, đặc biệt ở các DN NQD, DN có vốn đầu tư nước ngoài (khoảng trên 70% tổng số nợ). Bên cạnh đó, một số quy định trong pháp luật về BHXH hiện hành chưa phù hợp như điều kiện hưởng lương hưu, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ; quy định cho phép NLĐ dưới 20 năm đóng BHXH nhận trợ cấp BHXH một lần; NLĐ từ 45 tuổi trở lên đối với nam và từ 40 tuổi trở lên đối với nữ không thể tham gia BHXH tự nguyện đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí…
Hiện nay, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của NLĐ và người SDLĐ hàng năm có xu hướng tăng nhanh. Nếu năm 2007 tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2% thì năm 2008 là 73,7%, năm 2009 là 81,8%, năm 2010 là 76,3%; năm 2011 là 77,0%; năm 2012 là 68,56% và ước năm 2013 là 76,6%. Dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng cho thấy, với nền chính sách hiện hành, Quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm nữa, để đảm bảo khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.
Nguyên nhân chính là mất cân đối trong việc đóng- hưởng BHXH, mức đóng chưa tương ứng với mức hưởng. Tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất còn thấp so với mức hưởng lương hưu (từ năm 2012 tổng mức đóng góp của NLĐ và người SDLĐ là 20%, từ năm 2014 trở đi là 22%, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH); mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH còn khoảng cách lớn với mức tiền lương, tiền công thực tế của NLĐ (chỉ bằng 66% tiền lương, tiền công thực tế).
Bên cạnh đó, tính tuân thủ các quy định về BHXH hội còn thấp, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH còn diễn ra ở nhiều DN; Tỷ lệ hưởng lương hưu cao và công thức tính tỷ lệ hưởng lương hưu còn chưa hợp lý (75% cho 25 năm đóng BHXH đối với nữ hoặc 30 năm đối với nam). Tỷ lệ tính hưởng lương hưu của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng là quá cao (bình quân các nước trên thế giới là 1,7%); Số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm. Nếu như năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu, con số này giảm xuống còn 34 người vào năm 2000, 19 người vào năm 2004, 14 người vào năm 2007, 11 người vào năm 2009, 9,9 người vào năm 2011 và đến năm 2012 chỉ có 9,3 người đóng BHXH cho 1 người hưởng lương hưu…
Cùng với đó, tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn (số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm) và thời gian hưởng lương hưu dài. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 thì số năm trung bình còn sống được của nam ở tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ ở tuổi 55 là 24,5 năm (trên thực tế tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,2 tuổi, trong đó nam là 55,6 tuổi và nữ là 52,6 tuổi).
Đảm bảo an sinh xã hội
Báo cáo thẩm tra dự án Luật BHXH (sửa đổi) của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban tán thành việc mở rộng đối tượng NLĐ làm việc theo HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản tham gia BHXH bắt buộc như Điểm b, Khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Bởi hiện tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức chiếm khoảng 70% lực lượng lao động nhưng tham gia BHXH tự nguyện với mức thấp, do đó cần phải tạo điều kiện để nhóm lao động này tham gia BHXH bắt buộc. Kinh nghiệm của quốc tế cho thấy, để nâng mức độ bao phủ, đa số các nước quy định áp dụng BHXH bắt buộc đối với tất cả những người lao động có giao kết hợp đồng bằng văn bản. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn cần phải tăng cường tuyên truyền, vận động chính sách, đổi mới công tác quản lý và có biện pháp hỗ trợ DN, NLĐ thực hiện. Bên cạnh đó, Luật BHXH (sửa đổi) cũng mở rộng diện tham gia BHXH bắt buộc đối với học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.
Cũng theo Ủy ban Về các vấn đề xã hội, mặc dù dự thảo không quy định tham gia BHXH bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, song Luật BHXH (sửa đổi) nên tạo điều kiện để người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện đang hưởng phụ cấp theo công việc được tham gia BHXH bắt buộc, trong đó một bộ phận có quá trình làm việc tương đối lâu dài tại cơ sở, với chính sách liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện sẽ tạo điều kiện để nhóm này có thể tham gia liên tục, đảm bảo an sinh khi không còn tuổi lao động (trừ những người đang hưởng chế độ BH hưu trí hoặc trợ cấp BHXH hàng tháng)…
Để đảm bảo cân đối quỹ hưu trí, Khoản 2 Điều 53 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định về lộ trình tăng thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Theo đó, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của CB, CC, VC cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của các nhóm đối tượng còn lại (trừ nhóm lực lượng vũ trang và người làm công tác cơ yếu) cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng Luật BHXH (sửa đổi) cần thực hiện theo Điều 187 của Bộ Luật Lao động là nâng tuổi nghỉ hưu đối với NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.
Cùng với đó, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã thay đổi cách tính mức lương hưu hàng tháng của NLĐ theo hướng: từ năm 2016, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2016 là 16 năm, năm 2017 là 17 năm, 2018 là 18 năm, 2019 là 19 năm và từ năm 2020 trở đi là 20 năm. Việc điều chỉnh này khắc phục những bất cập của Luật BHXH hiện hành, từng bước thực hiện nguyên tắc cân đối đóng- hưởng và bảo đảm sự bình đẳng trong thụ hưởng chính sách giữa các đối tượng nhằm mục tiêu bảo đảm cân đối Quỹ BH hưu trí. Song, việc thực hiện quy định này đồng bộ với lộ trình thu BHXH để không tạo ra sự chênh lệch lớn về mức sống giữa những người hưởng lương hưu giữa các thời kỳ, đảm bảo khả năng an sinh cho NLĐ tham gia đóng BHXH giữa các thời kỳ khác nhau.
Theo báo cáo thẩm tra, quy định về chi phí quản lý BHXH được trích từ khoản tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ BHXH nên giao cho Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để quyết định cụ thể trong từng thời kỳ trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ BHXH.
Luật BHXH hiện hành gồm 11 Chương với 141 Điều. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) kế thừa Luật hiện hành trên cơ sở bỏ 01 Chương về BH thất nghiệp; gộp Chương VIII khiếu nại, tố cáo về BHXH và Chương IX về khen thưởng và xử lý vi phạm thành một chương về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về BHXH và gộp một số điều, bổ sung một số điều cho phù hợp, thuận tiện trong quá trình tổ chức thực hiện.Theo đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) gồm 9 Chương và 125 Điều. Tất cả các Điều được đặt tên, các Chương được chia thành mục theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.
Tăng thẩm quyền cho cơ quan BHXH trong việc thanh tra thực hiện pháp luật BHXH Việc bổ sung thẩm quyền cho tổ chức BHXH thực hiện thanh tra chuyên ngành về BHXH theo Khoản 3, Điều 21 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Hiện nay tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH có xu hướng tăng với số tiền nợ rất lớn. Vì vậy cần phải có giải pháp mạnh hơn để đảm bảo tính tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Với bộ máy thanh tra hiện có, ngành LĐ-TB&XH không đủ điều kiện để đảm bảo công tác thanh tra, xử phạt vi phạm, khởi kiện đối với DN nợ đọng BHXH. Do đó, nhiều ý kiến đồng ý tăng thẩm quyền cho cơ quan BHXH Việt Nam trong việc thanh tra thực hiện pháp luật BHXH vì cơ quan này chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính rất lớn, liên quan đến an sinh xã hội. Không xem BHXH Việt Nam là đơn vị sự nghiệp đơn thuần như các cơ sở y tế, giáo dục… mà là một tổ chức tài chính, có chức năng quản lý quỹ, thực hiện cung cấp dịch vụ công và các nhiệm vụ khác nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH. |
Vũ Thu