Cùng với các chính sách của Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách riêng về chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, giải quyết chế độ nhằm trợ giúp người khuyết tật (NKT).
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có hơn 19.000 NKT, trong đó 3.367 người có khả năng lao động, chiếm 17,5% tổng số NKT; 15.918 người không có khả năng lao động, chiếm 82,5%. Số NKT có việc làm ổn định khoảng 1.000 người và số không có việc làm 16.406 người, chiếm 85,07% .
Để góp phần nâng cao đời sống cho NKT, tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện chi trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 11.153 NKT với mức 350.000 đồng/tháng (cao hơn mức chi của Trung ương là 270.000 đồng/tháng).
Công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và giáo dục cho NKT cũng được đẩy mạnh. 100% NKT đang hưởng trợ cấp hàng tháng đều được cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời. Các cơ sở y tế quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ đảm bảo quyền lợi của người bệnh bằng nhiều giải pháp như: Tăng cường cải cách TTHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các khâu quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh; tăng giờ khám bệnh, bố trí làm việc vào các ngày nghỉ; ưu tiên giải quyết thủ tục nhanh cho NKT; quan tâm bố trí riêng bàn khám bệnh…
Hàng năm, các Trạm y tế trong tỉnh đều tiến hành thống kê, lập danh sách NKT nặng trên địa bàn xã, phường, thị trấn để lập hồ sơ theo dõi, quản lý tình trạng sức khỏe và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NKT.
Tỉnh cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ NKT có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, học nghề, việc làm. Mỗi năm, tỉnh đều bố trí kinh phí hỗ trợ lao động học nghề từ 10 – 15 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Quỹ việc làm dành cho NKT. Đến nay, toàn tỉnh có 10 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT, tạo việc làm cho hơn 200 lao động là NKT với mức thu nhập hàng tháng từ 2,5 – 3,5 triệu đồng./.
Theo baohiemxahoi.gov.vn