Không thể thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân thành công nếu không áp dụng hình thức bảo hiểm y tế bắt buộc
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định): Không thể thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân thành công mà không áp dụng hình thức bảo hiểm y tế bắt buộc
Khoản 1, Điều 2 quy định: bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của luật này. Tôi hoàn toàn nhất trí quy định này về bảo hiểm y tế vì mục đích chăm sóc sức khỏe nhân dân rất cần đến sự chia sẻ của cộng động và hỗ trợ của ngân sách nhà nước, góp phần giảm chi từ tiền túi của người dân, giúp dân tránh rơi vào tình trạng nghèo hóa khi không may bị bệnh nặng phải điều trị lâu dài. Từ thực tế triển khai bảo hiểm y tế của nước ta trong những năm qua và các nước trên thế giới cho thấy, không thể thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân thành công mà không áp dụng hình thức bảo hiểm y tế bắt buộc.
Để bảo đảm tính khả thi và nghiêm minh của luật, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự chấp hành tham gia của các tổ chức, cá nhân phải có chế tài xử lý đủ mạnh đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành. Điều quan trọng hơn cả là phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của dân và có biện pháp tuyên truyền phù hợp để thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm y tế. Tuy Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện khó khăn tham gia bảo hiểm y tế, cụ thể là đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng, song cũng phải có động lực để phấn đấu, không thụ động trông chờ ở sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Nhà nước không nên hỗ trợ tràn lan.
Về khoản 7, Điều 2, hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, tôi hoàn toàn nhất trí vì bảo hiểm y tế mang mục đích duy nhất là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chia sẻ rủi ro, nhưng để có đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu thì ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước rất cần đến sự chia sẻ của cộng đồng, trong đó có sự tham gia đóng góp của các hộ gia đình. Để thực hiện được quy định này, phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, phát huy tinh thần tương trợ, đoàn kết, giúp đỡ nhau ngay trong hộ gia đình. Mặt khác, cần quan tâm hơn nữa đến các hộ gia đình ở khu vực nông thôn vì mặc dù được hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, nhưng để bỏ ra một khoản chi không nhỏ mua bảo hiểm y tế cho tất cả thành viên trong hộ gia đình, trong khi thu nhập thấp, không ổn định, trước mắt chưa phát sinh bệnh tật và việc thụ hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thuận tiện thì các hộ gia đình sẽ còn phải cân nhắc. Vì thế, để thu hút được đông đảo người dân tham gia, khắc phục tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia bảo hiểm y tế cần có những chính sách mạnh mẽ hơn, phù hợp hơn đối với hộ gia đình và đối với cả cơ sở khám, chữa bệnh cùng sự tham gia phối hợp tích cực của chính quyền địa phương.
Về xử lý kết dư Quỹ bảo hiểm y tế mục 3, Điều 35 quy định, trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số thu bảo hiểm y tế dành cho khám, chữa bệnh lớn hơn số chi khám, chữa bệnh trong năm thì sau khi được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định quyết toán, phần kinh phí kết dư được hạch toán toàn bộ vào Quỹ dự phòng bảo hiểm y tế để điều tiết chung. Tôi nhất trí quy định này. Bảo hiểm y tế toàn dân với mục đích là chăm sóc sức khỏe nhân dân, không vì mục tiêu lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Vì vậy, phải quản lý một cách chặt chẽ Quỹ bảo hiểm y tế và phần kết dư Quỹ bảo hiểm y tế, phải bảo đảm chi tiêu đúng mục đích, nếu kết dư phải chuyển về Trung ương để tập trung nguồn lực giải quyết các vấn đề một cách có hệ thống. Tuy nhiên, để tránh sự thiệt thòi cho người khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở, ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện KT-XH khó khăn trong việc thụ hưởng chính sách bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh, tiến tới công bằng một cách tương đối, tôi đề nghị có những quy định cụ thể nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển phục vụ cho khám, chữa bệnh ở tuyến dưới.
ĐBQH Lê Đắc Lâm (Bình Thuận): Cần có lộ trình đầu tư nguồn lực cho y tế tuyến cơ sở để không còn tình trạng vượt tuyến, trái tuyến
Quy định bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc là cần thiết nhằm đề cao tính pháp lý, trách nhiệm của mọi người dân tham gia bảo hiểm y tế, thể hiện sự quan tâm bảo vệ cộng đồng, cùng chia sẻ trách nhiệm, góp phần từng bước bảo đảm điều kiện tốt hơn cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Tuy nhiên để tăng được số lượng người dân tham gia bảo hiểm y tế thì Nhà nước cần phải có những chính sách, biện pháp cụ thể, vừa đề cao trách nhiệm công dân, vừa giúp đỡ hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế; tăng cường nguồn ngân sách của Nhà nước hỗ trợ người nghèo, người không có khả năng tham gia bảo hiểm y tế. Luật cũng cần có những chế tài đủ mạnh đối với các tổ chức, doanh nghiệp không tham gia bảo hiểm y tế cho người lao động. Bên cạnh đó, cần tổ chức thật tốt việc khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trách nhiệm, thái độ phục vụ của y, bác sỹ, thủ tục thanh toán viện phí bảo hiểm y tế…
Về thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bệnh nhân tự đi khám, vượt tuyến, trái tuyến, theo tôi quy định như dự thảo Luật là phù hợp với điều kiện hiện nay do các bệnh viện đầu tư phát triển chưa đồng đều cả về vật chất và trình độ chuyên môn, dịch vụ kỹ thuật y tế, nếu bỏ quy định về tuyến sẽ làm tăng thêm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, có một thực tế là, người tham gia bảo hiểm y tế vẫn chưa đồng tình với quy định này và còn cho đây là rào cản khi tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Tuyến huyện và xã thì trình độ chuyên môn, dịch vụ y tế thấp, miền núi, vùng xa, hải đảo càng khó khăn hơn. Những căn bệnh cần phải chuyển lên tuyến trên thì thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân. Vì thế, tôi đề nghị, Chính phủ cần có lộ trình đầu tư nguồn lực cho y tế tuyến cơ sở để không còn tình trạng khám, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến như hiện nay. Đó là trách nhiệm của Nhà nước trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Luật cũng cần quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc lập danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn và danh sách trẻ sau khi sinh để đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế nhằm khắc phục tình trạng cấp thẻ trùng và bảo đảm quyền lợi cho trẻ em dưới 6 tuổi khám chữa bệnh.
ĐBQH Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình): Nên sửa đổi quy định về đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu để tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH và cử tri. So với dự thảo tại Kỳ họp trước, nội dung dự thảo Luật lần này đã sửa đổi cơ bản và trọng tâm hướng tới tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế quản lý; tăng mức hưởng cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; tăng hỗ trợ đầu tư của Nhà nước đối với các nhóm đối tượng khó khăn; khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế; giảm thủ tục đi khám, chữa bệnh và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân…
Về quy định thủ tục đăng ký khám chữa bệnh, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm Điều 26 về quy định đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Luật hiện hành quy định, người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương, trừ trường hợp được đăng ký tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Quy định như vậy sẽ gò bó người tham gia bảo hiểm trong lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh và sẽ nảy sinh tình trạng vượt tuyến, trái tuyến. Đề nghị sửa đổi như sau: người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu tại một đến hai cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tuyến Trung ương trên toàn quốc. Hiện nay, Quỹ bảo hiểm y tế là Quỹ chung toàn quốc, mức đóng bảo hiểm y tế ở các nhóm và mức hưởng ở các nhóm cũng tương đương và thống nhất trong toàn quốc. Sửa đổi như vậy sẽ tạo điều kiện linh hoạt cho người tham gia bảo hiểm y tế, nhất là những người có công việc không ổn định có quyền lựa chọn và được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Về thanh toán vượt tuyến, trái tuyến và chế tài đối với các trường hợp này. Theo dự thảo, Nhà nước chi trả 20% và người bệnh sẽ phải chi trả 80% nếu vượt trái tuyến ở Trung ương trong khi Luật hiện hành quy định tỷ lệ tương ứng là 30% và 70%. Tôi nhất trí với Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, do hiện nay, bệnh viện ở nước ta chưa đồng đều về mặt chuyên môn, kỹ thuật y tế nên bỏ quy định về tuyến là chưa phù hợp. Song nếu chưa bỏ được thì nên áp dụng như Luật hiện hành chứ không nên dùng quy định tăng thu thêm của người dân, ở đây lại là người dân đang có bệnh. Tôi cũng đề nghị Bộ Y tế thường xuyên công bố danh mục các loại bệnh hay có tình trạng vượt tuyến để người tham gia bảo hiểm y tế được biết, lựa chọn và chữa trị kịp thời.
Theo Nguyễn Vũ (Báo ĐBND)
Bảo Hiểm Bảo Việt