Phi nhân thọ tiếp tục kiểm soát chặt tỷ lệ bồi thường

Kết thúc năm 2019, không phải doanh nghiệp phi nhân thọ nào cũng đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu, nhưng hầu hết đều kiểm soát tốt tỷ lệ bồi thường để đảm bảo lợi nhuận và mục tiêu này tiếp tục được đề cao trong năm 2020.

Kết thúc năm 2019, tổng doanh thu của Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) đạt 4.325 tỷ đồng, gần hoàn thành kế hoạch cả năm (đạt 98,21%) và tăng 7,37% so với năm 2018 (trong đó, phí bảo hiểm gốc là 3.824 tỷ đồng, tăng 7,79% so với năm 2018), nhưng tỷ lệ bồi thường được giữ ổn định, chiếm 39,71% tổng doanh thu.

Lợi nhuân trước thuế năm 20219vước đạt 220 tỷ đồng (báo cáo chưa kiểm toán).

Được biết, nhiều năm qua, BMI đã chủ động điều chỉnh chiến lược tăng trưởng, nói không với tăng trưởng “nóng”, đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới (nghiệp vụ mang lại doanh thu lớn, nhưng tỷ lệ bồi thường cao).

Theo ông  Lê Văn Thành, Tổng giám đốc BMI, việc tăng trưởng nóng sẽ dễ dẫn tới mất kiểm soát tỷ lệ bồi thường, từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận.

Do đó, BMI tập trung rà soát hiệu quả của từng nhóm nghiệp vụ, kiểm soát tốt rủi ro và công nợ.

Đồng thời, lựa chọn nhà tái bảo hiểm uy tín và mức tín nhiệm tài chính cao để thu xếp tái bảo hiểm, bảo đảm việc chi trả bảo hiểm kịp thời và đầy đủ cho khách hàng.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2020 mới đây, ông Thành cho hay, BMI tiếp tục kiên định với mục tiêu tăng trưởng hiệu quả, bền vững, tập trung đẩy mạnh phát triển kênh bancassurance, tăng cường công tác quản lý giám định, bồi thường… để đảm bảo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Được biết, BMI đang hoàn tất các thủ tục để nới room cho nhà đầu tư ngoại.

Năm 2019 là năm đầu tiên Bảo hiểm BIDV (BIC) cán mốc 2.000 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc riêng Công ty mẹ, tăng trưởng tương đương với mức tăng trưởng chung của thị trường.

Với định hướng phát triển bền vững, các chỉ tiêu kinh doanh năm 2019 của BIC đều hoàn thành.

Tỷ lệ chi phí kết hợp dự kiến ở mức dưới 100%, đồng nghĩa với việc BIC sẽ có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến đạt khoảng 250 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2018.

Về kênh phân phối, kênh bancassurance và bảo hiểm trực tuyến là 2 kênh bán lẻ ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng.

Trong đó, bancassurance tăng trưởng gần 70%, và hoàn thành kế hoạch ngay từ đầu tháng 12/2019.

Duy trì mục tiêu hiệu quả, năm 2020, BIC tiếp tục lên kế hoạch có lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Cổ đông chiến lược FairFax cũng đã cam kết hỗ trợ BIC trên 4 lĩnh vực chính là công nghệ thông tin, sản phẩm, quản trị rủi ro và nhân sự.

Với Bảo hiểm Bưu điện (PTI), bên cạnh nhiệm vụ đẩy mạnh doanh thu, hãng bảo hiểm này sẽ đầu tư vào công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình bồi thường, cũng như đơn giản quy trình bán hàng.

PTI cũng đang có kế hoạch cho ra mắt trung tâm bồi thường bảo hiểm con người khu vực phía Nam.

Từ năm 2017, với việc thành lập trung tâm bồi thường bảo hiểm xe cơ giới ở cả 2 miền Bắc và Nam, PTI đã chuyên biệt hóa khâu xử lý hồ sơ bồi thường, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho khách hàng, đồng thời minh bạch thông tin về tỷ lệ bồi thường, số tiền bồi thường với các gara liên kết giúp tối ưu hóa lợi ích mà khách hàng có thể nhận được.

Chính vì lý do này mà trong khi nhiều doanh nghiệp phi nhân thọ khác đang phải hạn chế phát triển nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới do không kiểm soát được rủi ro, thì với PTI, đây vẫn là sản phẩm mũi nhọn.

Tỷ lệ bồi thường xe cơ giới trong năm 2019 của PTI đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay với khoảng 50% (tính theo năm nghiệp vụ).

Theo đại diện PTI, vì bảo hiểm xe cơ giới là sản phẩm quan trọng nên việc quản lý chất lượng dịch vụ tốt, đặc biệt là khâu giải quyết bồi thường, luôn đượ đặt lên hàng đầu.

“Năm 2020, PTI tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu bảo hiểm gốc là 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2019, tiếp tục giữ vững vị trí số 3 thị trường về doanh thu. Hai nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người tiếp tục là 2 nghiệp vụ nòng cốt của Công ty”, đại diện PTI nói.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.