Theo tính toán sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), doanh thu từ kênh này hiện chiếm xấp xỉ 20% tổng doanh thu khai thác mới toàn thị trường. Khi ngân hàng trở thành một kênh phân phối tiềm năng, không chỉ DNBH nhân thọ, mà các DNBH phi nhân thọ cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt để được nằm trong danh sách chọn lọc (shortlist) của các ngân hàng.
Theo chia sẻ của một số DNBH phi nhân thọ, để lọt vào “mắt xanh” của ngân hàng, ngoài việc duy trì một khoản tiền gửi tại ngân hàng, DNBH còn phải xây dựng những chính sách bảo hiểm ưu đãi hơn dành cho các khách hàng của ngân hàng đó, bên cạnh các “cơ chế hợp tác” khác như chi phí chăm sóc cho trụ sở chính cũng như các điểm bán, chi nhánh của ngân hàng…
Trong khi đó, để triển khai được kênh bancassurance, bên cạnh đầu tư về nhân sự, công nghệ…, DNBH còn cần đầu tư nguồn lực để đẩy mạnh các chương trình thi đua, thúc đẩy hoạt động bán hàng cho các cán bộ, nhân viên của bộ phận bán hàng (sale). Nếu không, lực lượng quan trọng này có thể sẽ chuyển sang bán bảo hiểm cho các doanh nghiệp đối thủ.
“Các DNBH phi nhân thọ phải tốn rất nhiều chi phí để bán sản phẩm qua ngân hàng. Trong đó, cơ chế hợp tác, thúc đẩy bán sản phẩm chiếm gần hết chi phí kinh doanh”, đại diện một DNBH phi nhân thọ nói.
Không như các DNBH nhân thọ có thể đa dạng hóa các sản phẩm bán qua ngân hàng, doanh thu chính qua kênh ngân hàng của hầu hết các DNBH phi nhân thọ hiện nay phần lớn thuộc nhóm sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới – vốn là nghiệp vụ không có hiệu quả cao trên thị trường.
“Cơ chế hợp tác chi trả tập trung cho các ngân hàng ở mức cao, trong khi bị ràng buộc bởi khung quy định của Bộ Tài chính về hoa hồng, cơ chế hỗ trợ… Điều này buộc các DNBH phi nhân thọ phải ký kết các hợp đồng dịch vụ nếu muốn phát triển bancassurance. Ngoài ra, không nhiều cán bộ ngân hàng tham gia vào quá trình bán hàng thiếu chứng chỉ đại lý bảo hiểm, ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn…”, đại diện một DNBH phi nhân thọ thông tin.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một DNBH phi nhân thọ cho biết, việc kênh bancassurance ngày một tăng trưởng đã kéo theo tình trạng đẩy các loại chi phí lên cao nhằm tăng sức cạnh tranh. Để không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, các cơ quan quản lý nhà nước cần giám sát chặt chẽ, cũng như có chính sách hợp lý đối với mô hình này.
Thực tế, ở một số thị trường phát triển như Hàn Quốc, các ngân hàng và DNBH cùng chịu sự quản lý bởi một cơ quan quản lý, nên có quy định chung đối với doanh thu đến từ kênh ngân hàng, đồng thời việc trả phí độc quyền cho ngân hàng cũng bị kiểm soát rất chặt chẽ để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, bởi cuối cùng bên phải trả những loại phí này là người tiêu dùng.
Được biết, tại cuộc họp của khối DNBH phi nhân thọ mới đây, một số DNBH đã kiến nghị cơ quan chức năng cần có quan điểm rõ ràng về cơ chế kinh doanh bảo hiểm theo hướng buộc các bên liên quan tuân thủ quy định hiện hành, tăng cường công tác kiểm tra để xử lý vi phạm, tăng mức xử lý để tăng tính răn đe…
“Về cơ chế kinh doanh (hoa hồng, khen thưởng, hỗ trợ đại lý…), pháp luật bảo hiểm tuy đã quy định cụ thể về mức chi cũng như chế tài xử lý vi phạm, nhưng con số chi trên thực tế cao hơn nhiều, đặc biệt là qua kênh bancacassurance. Do đó, nhà quản lý cần xem xét nới lỏng quy định về cơ chế kinh doanh để các DNBH tự cân đối hiệu quả kinh doanh, tránh tình trạng cơ chế đã thực hiện mà vẫn không tránh được rủi ro”, lãnh đạo một DNBH khuyến nghị.
Theo baohiemxahoi.gov.vn