QĐND – Những năm gần đây, ngành bảo hiểm Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, trong đó có nạn trục lợi bảo hiểm. “Hướng tới phải đưa hành vi trục lợi bảo hiểm thành tội hình sự, tăng tính răn đe đối với những đối tượng trục lợi”-ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Nhiều chiêu trò trục lợi bảo hiểm
Phóng viên (PV): Ông có thể phác thảo đôi nét về “cái được” cơ bản của thị trường bảo hiểm Việt Nam thời gian qua?
Ông Phùng Đắc Lộc: Thị trường bảo hiểm trong nước đi vào hoạt động được 21 năm nay, đã có những đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Chỉ riêng năm 2013 vừa qua, doanh thu bảo hiểm đạt hơn 47.000 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với năm trước. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ đạt hơn 24.000 tỷ đồng, tăng 7%; bảo hiểm nhân thọ đạt 23.300 tỷ đồng, tăng trưởng 26%. Trong 8 tháng năm 2014, giá trị doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của ngành bảo hiểm nhìn chung đều có sự tăng trưởng.
PV: Vậy những thách thức hiện nay là gì?
Ông Phùng Đắc Lộc: Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành bảo hiểm trong nước cũng gặp nhiều thách thức, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Thời gian qua, nền kinh tế trong nước có những “nút thắt” về tín dụng, về hàng tồn kho, tỷ giá biến động gây ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng. Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có hàng trăm nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, làm ảnh hưởng tới nhu cầu về bảo hiểm.
Đặc biệt, một trong những thách thức mà nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang “đau đầu” hiện nay là tình trạng trục lợi bảo hiểm.
PV: Xin ông nói rõ hơn về những chiêu trò của vấn nạn trục lợi bảo hiểm?
Ông Phùng Đắc Lộc: Trục lợi bảo hiểm thường xảy ra nhiều nhất ở khối bảo hiểm cá nhân, như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm về sức khỏe và tai nạn con người. Còn trục lợi bảo hiểm ở các doanh nghiệp cũng có, nhưng chủ yếu ở dạng ký hợp đồng nhưng không đóng phí bảo hiểm, hết hiệu lực của hợp đồng thì “phù phép” hiệu lực bảo hiểm, hoặc nhờ cơ quan chức năng đánh giá xem xét lại thành các rủi ro, tai nạn…
Với hành vi trục lợi bảo hiểm xe ô tô, xe cơ giới cũng có nhiều trường hợp, trong đó có hành vi bị tổn thất mới mua bảo hiểm. Chủ xe thường “bắt tay” với các nhân viên bảo hiểm hoặc các đại lý bảo hiểm để ghi lùi ngày. Tôi lấy ví dụ như trường hợp xe ô tô của một công ty dịch vụ thương mại, chở 72 chiếc xe gắn máy từ Đồng Nai ra Hà Nội, dọc đường xe bị bốc cháy, lập tức chủ xe gọi điện mua bảo hiểm và đề nghị công ty ghi là mua lúc 11 giờ. Nhân viên bảo hiểm không cảnh giác, ghi đúng 11 giờ, trong khi xe bị bốc cháy là 11 giờ 3 phút… Thế là bị trục lợi rồi!
PV: Hiện tượng cá nhân hợp thức hóa hồ sơ để được bồi thường diễn ra qua những chiêu thức nào, thưa ông?
Ông Phùng Đắc Lộc: Hành vi trục lợi bảo hiểm cá nhân có rất nhiều trường hợp. Chẳng hạn trường hợp do chẳng may xảy ra tai nạn, được bồi thường, người ta đã kê khai, mô tả thiệt hại, tổn thất cao hơn thực tế; ghi các hóa đơn, chứng từ nhiều hơn thực tế. Có nhiều trường hợp cố tình mua hóa đơn, chứng từ, tạo dựng hiện trường, hồ sơ giả để trục lợi bảo hiểm. Cũng có trường hợp cán bộ, nhân viên các cơ quan chức năng tiếp tay cho khách hàng để trục lợi, rồi chia chác. Do đó, điều cần thiết là phải nâng cao trách nhiệm của cán bộ, nhân viên giải quyết bồi thường, khi đọc hồ sơ phải tìm ra các trường hợp bất hợp lý.
Không thể “cười xòa” với hành vi trục lợi
PV: Theo ông, để ngăn ngừa, hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm, chúng ta phải làm gì?
Ông Phùng Đắc Lộc: Tôi nghĩ trước hết cần phải nâng cao ý thức cảnh giác và hiểu rõ những chiêu trò trục lợi bảo hiểm. Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo phòng, chống trục lợi bảo hiểm; phát hành, giới thiệu, đăng tải nhiều bài viết nêu ra những kinh nghiệm, sự kiện, thủ đoạn trục lợi bảo hiểm, cung cấp thông tin cảnh báo rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với Bộ Tài chính thành lập Trung tâm Phòng, chống trục lợi bảo hiểm. Nếu thành lập được trung tâm này, sẽ huy động được lực lượng có chuyên môn, những cộng tác viên là những người có kinh nghiệm như cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, lực lượng y, bác sĩ… tham gia làm tư vấn viên hoặc là làm hợp đồng trong điều tra vụ việc.
PV: Thưa ông, kẽ hở nào với các doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay mà các đối tượng thường trục lợi?
Ông Phùng Đắc Lộc: Kẽ hở hiện nay đối với các doanh nghiệp bảo hiểm là sức ép về bồi thường. Theo quy định, khi đối tượng được bảo hiểm nộp đủ hồ sơ thì trong vòng 15 ngày, doanh nghiệp phải giải quyết bồi thường. Còn nếu phải tiến hành điều tra thì cũng chỉ trong vòng 30 ngày. Trong trường hợp điều tra hơn 30 ngày và từ chối bồi thường, doanh nghiệp phải có văn bản, lý do từ chối bồi thường. Với thời gian ngắn như vậy đã gây sức ép trong quá trình điều tra của doanh nghiệp. Trên thực tế, có những trường hợp không đủ thời gian để điều tra thì doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải thanh toán, bồi thường.
PV: Ông kiến nghị điều gì với cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm?
Ông Phùng Đắc Lộc: Số tiền trục lợi bảo hiểm hiện chiếm khoảng 10% doanh số toàn ngành bảo hiểm. Đó cũng chỉ là tỷ lệ được phát hiện thông qua bồi thường, còn trên thực tế chắc lớn hơn nhiều. Tôi cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng trục lợi bảo hiểm là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, các mức hình phạt với hành vi trục lợi bảo hiểm chưa cao; đồng thời, thiếu sự kiểm soát và xử lý của các bên liên quan; trình độ của nhân viên bảo hiểm còn hạn chế; giữa các doanh nghiệp bảo hiểm lại chưa có cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin… Vì thế, để hạn chế và khắc phục hiện tượng trục lợi bảo hiểm, không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành bảo hiểm mà phải là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Theo tôi, để ngăn ngừa, hạn chế, hướng tới phải đưa hành vi trục lợi bảo hiểm thành tội hình sự, tăng tính răn đe đối với những đối tượng trục lợi. Thực tế hiện nay, nếu không bị phát hiện thì các đối tượng trục lợi được một số tiền rất lớn. Còn nếu bị phát hiện thì cũng chỉ “cười xòa” với nhau rồi thôi, chẳng phải chịu trách nhiệm pháp lý gì cả.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bảo Hiểm Bảo Việt / NHẤT NGÔN – HẠNH NGUYỄN (thực hiện)