Ông Đinh La Thăng hồi còn làm Bộ trưởng Bộ GTVT từng nói: công khai thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng trên báo đài còn ít.
Một giải pháp được coi sẽ hiệu quả tức thì là bêu tên địa chỉ, người kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng hoặc mũ giả MBH ở bảng tin, ở trang tin, ở các kênh báo chí, truyền hình. Việc này cần làm thường xuyên, liên tục, có sự vào cuộc cả các cấp các ngành sẽ thành công và góp phần làm giảm tai nạn giao thông, trấn thương, hướng tới môi trường kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm lành mạnh, có chất lượng tốt.
Điều này cũng từng được ông Đinh La Thăng hồi còn làm Bộ trưởng Bộ GTVT kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia nêu ra. Ông Thăng từng nói: Công khai thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng trên báo đài còn ít được thực hiện.
Trên thực tế, MBH dởm vẫn được bày bán tràn lan trong khi việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý vẫn còn hạn chế và gặp nhiều khó khăn.
Ông Đinh La thăng từng nói cần công khai thông tin cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng trên báo đài nhiều hơn. Ảnh ST
Báo cáo từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, tai nạn giao thông liên quan đến xe máy vẫn chiếm khoảng 2/3 tổng số vụ. Trong đó, có 30% chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Do đó, Tổ chức y tế Thế giới từ lâu đã khuyến cáo tầm quan trọng của đội MBH khi đi xe máy. MBH giúp giảm chấn thương nặng do tai nạn giao thông đến 69% và giảm khả năng tử vong do chấn thương sọ não đến 40%.
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, MBH kém chất lượng vẫn được bày bán tràn lan. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến tính năng bảo vệ người điều khiển xe máy khi không may có tai nạn xảy ra. Ngoài các loại MBH kém chất lượng, không đạt chuẩn, trên thị trường còn bày bán hàng trăm loại dạng mũ giả MBH như: mũ đi bộ, mũ nhựa, mũ thời trang, mũ chơi thể thao.
MBH kém chất lượng thường được bày bán trên vỉa hè, lòng đường. Tại phố Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội, hàng loạt các cửa hàng MBH được bày bán ngay tại vỉa hè, nhiều loại MBH không đạt chuẩn giá chỉ từ 20.000 đồng -55.000 đồng/chiếc.
Chị Ngọc, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng bán MBH trên phố Chùa Bộc cho hay: “Nhiều loại mũ “bảo hiểm” nhìn rất thời trang không có lớp lót nhưng vẫn được thanh niên mua nhiều vì mũ nhẹ, kiểu dáng thời trang đủ loại vẫn được ưa chọn”.
Tại nhiều tuyến phố khác ở Hà Nội như Trần Duy Hưng, Đội Cấn, đường Láng…, có nhiều cửa hàng bán MBH với nhiều loại mũ khác nhau, trong đó có những loại kém chất lượng. Cũng ở các tuyến đường này, MBH bán rong trên vỉa hè tồn tại từ lâu, cơ quan chức năng rất khó kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt, các cửa hàng nhỏ lẻ hay di động thường bán loại MBH kém chất lượng, nhưng mỗi loại chỉ có một vài chiếc nên quá trình “truy quét” cũng bị hạn chế.
Hơn nữa, việc giám định chất lượng mũ lại phải lưu mẫu, đo các chỉ tiêu độ bền va đập, hấp thụ xung động, độ bền đâm xuyên, quai đeo… Cứ giám định 3 tiêu chí thì phải lấy 6 mẫu. Với kiểu bán lẻ như trên thì lực lượng quản lý thị trường không thể lấy đủ mẫu để đưa đi giám định chất lượng.
Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, cả nước hiện có chưa đến 10 doanh nghiệp sản xuất MBH, từ làm toàn bộ linh kiện đến lắp ráp mũ hoàn chỉnh; còn lại đa số là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chỉ làm 1 hoặc một số bộ phận, chi tiết mũ, sau đó có đơn vị chuyên mua linh kiện về lắp ráp. “Do có hàng nghìn cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh MBH nên công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi gặp rất nhiều khó khăn”, đại diện Cục Quản lý thị trường cho hay.
Nhận định về việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng MBH hiện nay, ông Trần Văn Vinh, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, hiện văn bản, quy định có liên quan đến quản lý chất lượng MBH đã tương đối đầy đủ, tạo khuôn khổ pháp lý chung cho việc giám sát và điều hành của các cơ quan quản lý chức năng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập khiến cho việc quản lý thị trường MBH vẫn còn những khó khăn. Do vậy Tổng cục trưởng nhấn mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng về việc chấp hành các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH đạt chuẩn là quan trọng và cần tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.
“Bên cạnh các biện pháp quản lý thông qua việc hoàn thiện các văn bản pháp luật thì việc nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về MBH thì mới giải quyết được gốc rễ vấn đề đó là tăng tỷ lệ MBH đạt chất lượng, giảm thiểu số lượng MBH không đạt chất lượng lưu thông trên thị trường”, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh khẳng định.
Về phía đại diện người tiêu dùng, ông Vũ Văn Diện – Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) cho hay, VINASTAS đã thống nhất một số đề xuất, khuyến nghị liên quan đến việc hoàn thiện một số văn bản, quy định tăng cường hoạt động quản lý chất lượng MBH trong thời gian tới.
VINASTAS kiến nghị, trong khâu sản xuất, cần bổ sung các quy định cụ thể về quản lý chất lượng các linh kiện, bộ phận MBH và có biện pháp kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất linh kiện MBH để cung cấp cho các cơ sở lắp ráp trong thực tế.
Còn đại diện Cục Quản lý thị trường thì đề nghị Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chỉ đạo Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho từng chính quyền quận, huyện, phường, xã: nếu để tình trạng bày bán MBH, mũ nhựa các loại trên lòng đường, vỉa hè thì chính quyền địa bàn đó phải chịu trách nhiệm. Kèm theo đó là việc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Các giải pháp này không mới nhưng lại chưa đưa lại hiệu quả như mong muốn.
Bảo Hiểm Bảo Việt (Theo vietq.vn)