Tăng đối tượng được hỗ trợ
Nghị định quy định thêm một số đối tượng được hỗ trợ mua BHYT bằng ngân sách nhà nước như: Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; người già từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài, hộ nghèo… và hỗ trợ từ 30% trở lên với hộ cận nghèo, nông, ngư dân có thu nhập trung bình. Ngoài ra, nghị định cũng khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi (10%). Đây là các quy định đang được coi là hỗ trợ hết mức cho người dân sống ở khu vực nông thôn tiếp cận với BHYT.
Theo nghị định mới, mức đóng BHYT không thay đổi, bằng 4,5% tiền lương cơ sở (lương theo khối công chức, viên chức). Đây cũng là điểm được nông dân quan tâm nhất. Nói về mức đóng 4,5%, chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Mai Trung (xã Gia Vân, Gia Viễn, Ninh Bình) cho biết là “không tăng so với trước kia”. Theo chị Thúy, hiện tại chị đang mua BHYT tự nguyện với mức đóng 640.000 đồng/năm: “Việc mua BHYT tự nguyện ở quê bây giờ rất dễ dàng, các đại lý bán BHYT về tận xã làm thủ tục cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ cần đăng ký, sau đó khi đại lý mang thẻ BHYT về thì trả tiền”.Tuy nhiên, theo chị Thúy, mức đóng 640.000 đồng/người/năm là khá nặng với nông dân. Ngoài ra, chính sách đóng BHYT giảm dần trong hộ gia đình đã có từ vài năm nay nhưng gia đình chị cũng không tiếp cận được: “Chúng tôi vẫn phải mua lẻ từng thẻ chứ không mua được cả theo hộ. Nếu mua cho gia đình 2-3 người thì ngay cả khi được giảm cũng phải chi 1,2- 2 triệu đồng/năm thì ít gia đình mua. Phần lớn chọn cách ai ốm yếu, già cả nhất mới mua”. Chị Hoàng Thị Hương (xã Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định) thì cho biết, ở quê chị “người ta rao bán BHYT tới từng nhà, mua rất dễ” nhưng thực tế ít người mua bởi: “Điểm khám chữa bệnh ban đầu của BHYT là trạm xá xã hoặc trung tâm y tế huyện thì phần lớn dân chúng tôi không tin tưởng. Có bệnh nặng là về bệnh viện tỉnh hoặc ra Hà Nội luôn”. Vì thế, với nhiều nông dân, vấn đề ở đây không phải là tiếp cận mua thẻ BHYT mà là giá cả và khả năng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh.
Cố gắng đảm bảo quyền lợi người có thẻ
Đó là khẳng định của bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế). Theo bà Hương, nghị định hướng dẫn sẽ bám sát các đổi mới của Luật BHYT sửa đổi để hướng dẫn cơ sở thực hiện. Đặc biệt, để khuyến khích người dân liên tục tham gia BHYT, Luật BHYT sửa đổi sẽ thanh toán 100% viện phí cho người tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên với điều kiện số tiền viện phí trong năm không lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (gần 7 triệu đồng). Những người cận nghèo cũng giảm chi trả từ 20% xuống còn 5%.
“Một số bệnh trước đây BHYT không chi trả như điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ và khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa thì nay cũng được đưa vào khám BHYT. Những trường hợp tự tử, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng được đưa vào danh mục bệnh do BHYT chi trả”- bà Song Hương cho biết.
Theo Vụ trưởng Vụ BHYT, đối tượng “khó” đóng BHYT nhất chính là người cận nghèo, nông dân, ngư dân, diêm dân. Cho dù chính sách nhà nước hiện nay đã hỗ trợ 70% tiền mua thẻ BHYT cho người cận nghèo nhưng có chưa đến 40% số người thuộc diện này mua thẻ. “Ranh giới giữa nghèo và cận nghèo nhiều khi chỉ là vài nghìn đồng. Do đó nhiều gia đình biết lợi ích của thẻ BHYT nhưng cũng không thể lo đủ 1-2 triệu đồng để mua thẻ cho gia đình. Hiện nay, Bộ Y tế có nhiều chương trình kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ người cận nghèo bằng cách hỗ trợ mỗi người 200.000 đồng để tặng họ 1 thẻ BHYT” – bà Hương cho biết.
Ngoài ra, từ 1.1.2015, các đối tượng nông dân, ngư dân, diêm dân có thu nhập trung bình (900.000 đồng/tháng/người trở xuống nhưng chưa đến mức cận nghèo) cũng sẽ được hỗ trợ mua thẻ BHYT tới 30% giá trị thẻ. Chỉ cần các đối tượng làm đơn với xã và nộp 70% giá trị thẻ thì sẽ được cấp thẻ BHYT. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều địa phương, số tiền hỗ trợ này cũng chưa đủ “sức nặng” để động viên bà con mua thẻ BHYT, nhiều tỉnh chỉ có 15-20% số nông, ngư dân mua thẻ BHYT.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo danviet.vn)