Nỗ lực trong chăm sóc sức khỏe HSSV

Bảo đảm cho học sinh, sinh viên (HSSV) được chăm sóc sức khỏe ban đầu từ hệ thống y tế học đường cũng như khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Nhân dịp chuẩn bị bước vào năm học mới 2016 – 2017, cũng là năm thứ hai thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Tiến sỹ Lê Văn Khảm – Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế đã dành cho phóng viên Website BHXH Việt Nam cuộc phỏng vấn về nội dung này.

HSSV 210815 02.jpg


PV: Thưa Vụ trưởng Vụ BHYT, để hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT là trách nhiệm của xã hội, nhà trường, gia đình, trong đó có vai trò quan trọng của Ngành y tế. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

Vụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn Khảm:

HSSV luôn là một trong những đối tượng được quan tâm hàng đầu trong xây dựng chính sách và phát triển BHYT. Trong suốt hơn hai mươi năm qua kể từ khi BHYT được thực hiện tại Việt Nam, BHYT đối với HSSV đã góp rất hiệu quả vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, đảm bảo để các em phát triển khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Trong chiến lược phát triển con người, đáp ứng với việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, một yêu cầu rất quan trọng là yêu cầu về sức khỏe đối với mỗi cá nhân và đối với cả cộng đồng. Vì thế, mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT là mục tiêu ưu tiên, cấp bách và cần thiết. Khác với một số nhóm đối tượng khác, HSSV gắn bó chặt chẽ với môi trường giáo dục, đào tạo nên việc chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng tốt cho các em được thực hiện ngay từ chính các nhà trường thông qua đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực và quan trọng là cơ chế tài chính phù hợp với công tác này. Trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế thì cơ chế BHYT đã từng bước đảm bảo hơn cho bằng việc dành một tỷ lệ trích lại nhất định từ nguồn thu BHYT phục vụ phát triển y tế trường học (YTTH). Số kinh phí từ Quỹ BHYT dành cho YTTH tăng dần qua các năm học. Đến nay, Quỹ BHYT là nguồn tài chính chủ yếu với tỷ trọng trên 80% kinh phí của hoạt động YTTH hiện nay.

Với mạng lưới YTTH được củng cố và hoàn thiện, nhất là từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 12/7/2006 về tăng cường công tác y tế trong các trường học và xác định phát triển BHYT HSSV là một trong những giải pháp quan trọng để tạo nguồn tài chính phát triển YTTH thì công tác BHYT HSSV và YTTH đã có sự tăng trưởng khá nhanh. Sự phát triển này là điều kiện cần thiết để gia tăng tỉ lệ HSSV tham gia BHYT qua các năm, năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có gần 70% HSSV tham gia BHYT, năm học 2012-2013, khoảng 80%, năm học 2013-2014 là 85%, đến năm học 2014-2015, tỉ lệ này là 88,5% tương ứng với gần 14,82 triệu HSSV có thẻ BHYT. Năm học 2015- 2016, tỉ lệ HSSV tham gia BHYT đã đạt 90,5%, tương ứng khoảng 15,6 triệu, trong đó HSSV tham gia BHYT tại nhà trường là 12,8 triệu người (học sinh là 11,3 triệu người và sinh viên là 1,5 triệu người), HSSV tham gia theo nhóm đối tượng khác (người nghèo, người có công…) là 2,8 triệu người.

Với nguồn kinh phí từ Quỹ BHYT, hệ thống YTTH được củng cố và phát triển do được bổ sung trang thiết bị, sổ theo dõi sức khỏe, vật tư và thuốc thiết yếu, xử trí chấn thương, tai nạn, tăng cường các hoạt động giáo dục nâng cao sức khỏe, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm, các bệnh học đường. Nguồn kinh phí này đã phát huy được hiệu quả rất rõ ràng của hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, vừa giảm tỷ lệ mắc bệnh, vừa xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, và đặc biệt là có điều kiện để nâng cao sức khỏe HSSV.

PV: Năm học 2016 – 2017 cũng là năm thứ 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành, trong đó nhiều điểm mới liên quan đến BHYT HSSV. Điều này có tác động thế nào tới công tác BHYT HSSV không thưa ông?

Vụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn Khảm:

Với việc ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015, việc tổ chức triển khai thực hiện BHYT đối với đối tượng HSSV đã có những thay đổi cơ bản. Luật quy định tham gia BHYT là bắt buộc với tất cả các nhóm đối tượng, trong đó có HSSV. Mức đóng BHYT của HSSV được nâng lên từ 3% lên 4,5% lương cơ sở như những nhóm đối tượng khác. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần, tối thiểu bằng 30% mức đóng. Riêng HSSV thuộc hộ nghèo và thân nhân sỹ quan quân đội, công an được hỗ trợ 100% mức đóng, hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu được trích bằng 7% tổng thu quỹ BHYT tính trên tổng số HSSV đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT. Quyền lợi khám, chữa bệnh khi tham gia BHYT cũng được mở rộng, đặc biệt từ ngày 01/01/2016, quy định thông tuyến huyện đã tạo nhiều thuận lợi cho việc khám, chữa bệnh đối với người tham gia BHYT, trong đó có HSSV.

Một số kết quả ban đầu cho thấy tác động của Luật đối với công tác YTTH là cơ sở để khẳng định xu thế phát triển, đó là: Hệ thống YTTH ở nhiều địa phương đã được kiện toàn và phát triển với cách thức, quy trình phối hợp hoạt động chặt chẽ, năng lực cán bộ YTTH được nâng cao; Điều kiện học tập và vệ sinh được cải thiện đáng kể với 78% số trường học có đủ nước sinh hoạt,  83%  số trường có đủ nước uống, 82% có nhà tiêu hợp vệ sinh, 62% số trường có bếp ăn đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, các loại dịch bệnh giảm nhiều và không có dịch lớn xảy ra; Công tác quản lý sức khỏe học sinh bằng hồ sơ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục đang được thực hiện, hướng đến tất cả HSSV đều được quản lý sức khỏe; Các tài liệu chuyên môn có chất lượng, cập nhật kiến thức được phổ biến kịp thời; Kiến thức phòng chống bệnh tật của học sinh được nâng cao, gần 80% học sinh (thống kê năm 2014) đã được truyền thông về biện pháp phòng bệnh, tăng 67% so với năm 2010; Nhiều địa phương đã nâng cao năng lực CSSK ban đầu cho HSSV thông qua các cơ sở y tế trên địa bàn như trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện.

Không chỉ có chất lượng hoạt động YTTH, chăm sóc sức khỏe ban đầu được nâng cao mà quyền lợi BHYT đối với HSSV cũng như các đối tượng khác được mở rộng về phạm vi thể hiện trên các phương diện như: sự thuận lợi trong tiếp cận cơ sở y tế; người nghèo, bao gồm cả HSSV thuộc hộ nghèo không phải cùng chi trả chi phí KCB, người thuộc hộ cận nghèo chỉ phải cùng chi trả 5% chi phí; các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế sử dụng trong khám, chữa bệnh thường xuyên được điều chỉnh theo sự phát triển của khoa học và công nghệ cũng như sự thay đổi về mô hình bệnh tật.

PV: Trong quá trình thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho HSSV, theo ông, hiện nay công tác BHYT HSSV còn gặp những khó khăn gì?

Vụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn KhảmVụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn Khảm:

Luật quy định về các đối tượng bắt buộc phải mua BHYT, trong đó có HSSV. Việc cha mẹ mua BHYT cho con là thể hiện ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Phụ huynh luôn quan tâm đến con cái, trong đó quan trọng nhất là sức khỏe và việc học tập. Việc mua BHYT cho con thể hiện trách nhiệm, cũng như sự quan tâm này.

Các bậc phụ huynh mua BHYT cho con, khi ốm đau sẽ được cơ quan BHXH chi trả. Do đó, khi đó có BHYT thì các gia đình sẽ có sự yên tâm về tài chính. Hơn nữa, việc mua thẻ BHYT cũng giúp con hình thành ý thức tuân thủ pháp luật và ý thức chia sẻ với cộng đồng. Ngày hôm nay các em chưa dùng đến thẻ thì đã có bạn dùng, có người khác dùng. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp HSSV được quỹ BHYT chi trả chi phí lớn trong điều trị bệnh hiểm nghèo, tai nạn, chấn thương. Điều này thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, đây cũng là bản chất của BHYT. Các em HSSV khi được thông tin, giáo dục đầy đủ về ý nghĩa, giá trị của BHYT sẽ hình thành trong các em nhân cách sống, lẽ sống và trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện BHYT HSSV vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đồng đều và chưa đạt yêu cầu theo quy định bắt buộc của Luật BHYT. Đến hết năm 2015, vẫn còn trên 10% HSSV chưa tham gia BHYT. Còn một số địa phương có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đạt mục tiêu kế hoạch, có nơi chưa đến 80%.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc nhưng thiếu chế tài xử lý vi phạm, do đó hiệu quả còn hạn chế. Công tác truyền thông về BHYT HSSV dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số bậc cha mẹ học sinh còn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc tham gia BHYT; thiếu giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ một số HSSV có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo tham gia BHYT. Công tác phối hợp giữa các ban ngành trong việc chỉ đạo thực hiện công tác BHYT HSSV tại một số địa phương còn thiếu chặt chẽ. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự làm công tác YTTH có nơi còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại các nhà trường; chất lượng dịch vụ y tế đã được cải thiện rất nhiều, quyền lợi BHYT được đảm bảo theo luật định, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, nhưng đôi khi vẫn chưa đáp ứng với sự hài lòng của người có thẻ BHYT.

HSSV 120314.jpg
Tham gia BHYT HSSV để được chăm sóc sức khỏe ngay tại trường. Ảnh minh họa


PV: Để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện công tác YTTH từ quỹ BHYT, theo Vụ trưởng cần có những giải pháp gì?

Vụ trưởng Vụ BHYT Lê Văn Khảm:

Sức khỏe của trẻ em, HSSV là yếu tố quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước nên việc đầu tư hợp lý cho công tác YTTH là yêu cầu cấp thiết. Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV tại trường học phải đảm bảo tiếp cận toàn diện, có đủ cơ sở vật chất, môi trường xã hội lành mạnh, đủ điều kiện về nhân lực và vật lực, truyền thông giảm thiểu các nguy cơ sức khỏe giúp học sinh phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần. Vì vậy, việc tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống YTTH và chất lượng hoạt động YTTH cần được quan tâm và đầu tư đúng mức từ kinh phí nhà nước, từ Quỹ BHYT và từ sự tham gia  của cộng đồng xã hội.

Để triển khai tốt công tác YTTH, cần đánh giá cụ thể thực trạng hệ thống YTTH, rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn hoạt động YTTH.

Vừa qua, liên Bộ Y tế – Giáo dục đào tạo đã ban hành Thông tư 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 quy định về công tác YTTH. Thông tư quy định các nội dung chính của công tác YTTH như: đảm bảo các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học; đảm bảo các điều kiện về cấp thoát nước, vệ sinh môi trường; đảm bảo các điều kiện về phòng y tế, nhân viên YTTH; tổ chức các hoạt động quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh,…
Về nguồn kinh phí thực hiện công tác y tế trường YTTH, Thông tư quy định rõ là nguồn kinh phí sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo hằng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành của các đơn vị và nguồn BHYT học sinh theo quy định hiện hành.

Như vậy, bên cạnh việc phấn đấu để 100% HSSV tham gia BHYT, các nhà trường cần thực hiện nghiêm túc theo Thông tư 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT để đảm bảo rằng, tất cả các trường học có khả năng đủ điều kiện sử dụng nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT để quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV.

theo baohiemxahoi.gov.vn

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.