Nỗ lực cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI

Sau gần 30 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút Đầu tư nước ngoài – FDI, đến nay khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã trở thành bộ phận của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động nhất và ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Ảnh minh họa, nguồn internet

Doanh nghiệp FDI – Thành phần kinh tế quan trọng

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến hết tháng 6 năm 2016, cả nước có 21.398 dự án FDI còn hiệu lựcvới tổng vốn đăng ký đạt gần 293 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án ĐTNN ước đạt khoảng 146 tỷ USD (bằng 49,9% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực). Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (58,26% vốn đăng ký), kinh doanh bất động sản đứng thứ hai (chiếm 18% tổng vốn đăng ký) và các ngành khác.

Bên cạnh những lợi ích do ĐTNN mang lại như thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu ngân sách, chuyển giao công nghệ, v.v… thì vấn đề tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động đóng vai trò quan trọng. Tính đến nay khu vực ĐTNN tạo ra trên 3,5 triệu lao động trực tiếp và khoảng 4 – 5 triệu lao động gián tiếp. Doanh nghiệp ĐTNN được xem là tiên phong trong việc đào tạo tại chỗ và đào tạo bên ngoài, nâng cao trình độ của công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Một bộ phận trong đó đã có năng lực quản lý, trình độ khoa học, công nghệ đủ sức thay thế chuyên gia nước ngoài.

Để tăng cường thu hút vốn ĐTNN cho phát triển bền vững, trong thời gian qua Việt Nam đã có những biện pháp nhằm hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nghị quyết số 19 – 2016/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/4/2016 đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường  kinh  doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế, và cụ thể thời gian nộp bảo hiểm xã hội là 45 giờ/năm. Bên cạnh đó, theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 35/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 16 tháng 5 năm 2016 về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, một trong những nhiệm vụ cần thực hiện là “Rà soát, đề xuất chế độ BHXH hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội để doanh nghiệp thích ứng và sử dụng lao động phù hợp.

Chính sách BHXH đối với khu vực doanh nghiệp ở nước ta trong thời gian qua đã thay đổi theo từng thời kỳ nhằm đáp ứng với sự phát triển của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động. Năm 2014, Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, mức đóng BHXH sẽ dựa trên lương cộng phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Từ 1/1/2018 trở đi, đóng trên lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong hợp đồng lao động. Quy định về BH thất nghiệp năm 2016 mới nhất theo Luật làm việc số 38/2013/QH13 cũng có một số điểm mới về đối tượng bắt buộc tham gia BH thất nghiệp, mức đóng BH thất nghiệp, chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Theo nghiên cứu “Tình hình việc làm và tham gia BHXH trong Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”, do PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, ThS. Nguyễn Thị Hạnh (Viện Khoa học Lao động và xã hội) thực hiện thì nhìn chung về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về BHXH tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam hiện nay, đa phần các doanh nghiệp đã thực hiện tương đối tốt tỷ lệ lao động tham gia BHXH đạt gần 90%. Tuy nhiên, tình trạng nợ đóng BHXH ngày càng phổ biến. Theo số liệu của BHXH Việt Nam năm 2014, nợ BHXH là 5,578 nghìn tỷ đồng, bằng 4,93% tổng số phải thu, trong đó khu vực doanh nghiệp có vốn FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 72% tổng số nợ.

Nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính

Hiện ngành BHXH đang phục vụ cho hơn 70 triệu người tham gia BHYT, hơn 12 triệu người tham gia BHXH, 10 triệu người tham gia BH thất nghiệp, hơn 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp hằng tháng. Với số lượng đối tượng cần giải quyết và chi trả lớn như vậy, cải cách TTHC được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành BHXH những năm qua nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành và tạo sự thuận lợi, tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp. Hằng năm, ngành BHXH ban hành Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó trọng tâm là rà soát các TTHC đã ban hành và kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản để đánh giá và kịp thời loại bỏ hoặc sửa đổi thủ tục không phù hợp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý, đồng thời đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Đến cuối năm 2015 bộ thủ tục hành chính đã giảm xuống còn 33 thủ tục (so với 115 thủ tục cuối năm 2014), giảm 56% số lượng hồ sơ (gồm biểu mẫu, tờ khai, đơn, công văn đề nghị); giảm 82% số chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 78% quy trình thao tác thực hiện; thời gian thực hiện kê khai nộp bảo hiểm giảm từ 235 giờ xuống còn 81 giờ, dự kiến khi Luật BHXH được thực hiện từ ngày 01/01/2016 sẽ giảm xuống còn 45 giờ – đạt mức trung bình của các nước ASEAN. Cùng với việc cải cách TTHC, ngành BHXH cũng đã đẩy mạnh việc giao dịch điện tử đối với thủ tục tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và đề nghị đóng, cấp sổ thẻ…

Năm 2016, triển khai Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP của Chính phủ, cơ quan BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp cải cách TTHC như rà soát bộ TTHC của ngành để tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa, nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia và DN như: Bỏ quy định ký 2 lần/năm với người nhận lương hưu qua ATM; chuẩn bị giao sổ BHXH cho NLĐ; chi trả tiền BHXH trực tiếp vào tài khoản người thụ hưởng… Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, từ đầu năm 2016, đã cắt giảm thêm 01 TTHC, từ 33 thủ tục cuối năm 2015 xuống còn 32 thủ tục; giảm 38% thành phần hồ sơ, giảm 42% tiêu thức trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 54% quy trình, thao tác thực hiện.

BHXH Việt Nam cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với công tác cải cách TTHC như giao dịch điện tử thông qua thu, sổ thẻ, giải quyết và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; duy trì hoạt động chuyển phát hồ sơ, kết quả cho đơn vị sử dụng lao động qua dịch vụ bưu chính bưu chính, DN không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH để giao dịch; khai trương cổng thông tin giám định BHYT điện tử phục vụ việc cải cách hành chính trong giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT… Bắt đầu triển khai từ quý 1/2015, đến tháng 9 năm 2016 đã có khoảng 90% DN trên toàn quốc thực hiện giao dịch điện tử, giúp giảm thời gian và công sức của DN khi làm thủ tục nộp hồ sơ, nhận kết quả, mang lại lợi ích to lớn cho DN và cơ quan BHXH.Theo tính toán của cơ quan BHXH Việt Nam, phương thức giao dịch điện tử và qua hệ thống bưu điện đã giúp giảm 16 giờ đi lại, chờ đợi trong việc làm thủ tục tại cơ quan BHXH cho 1 đơn vị trong 1 năm; với khoảng 200 nghìn DN đang tham gia BHXH, số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm. Ngoài ra, văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ của CCVC ngành BHXH đã chuyển biến tích cực theo mục tiêu phục vụ người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT tốt nhất.

Kết quả là, trong 6 tháng đầu năm 2016, thời gian thực hiện TTHC của ngành BHXH đã giảm xuống còn 48,5 giờ. Ngành BHXH đang phấn đấu đến cuối năm 2016 việc đẩy mạnh giao dịch điện tử sẽ giúp giảm xuống còn 45 giờ – bằng với mức trung bình của các nước ASEAN.

Những kết quả từ cải cách TTHC đã nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành BHXH, từ đó tạo thuận lợi cho các DN, thu hút các DN FDI, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo mục tiêu Nghị quyết của Chính phủ.

Cải cách TTHC của ngành BHXH đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía các DN. Theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ DN cho biết họ thấy “thuận lợi hơn” trước những cải cách của BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt lần lượt là 64%-55,8% và 51,3%, cho thấy các doanh nghiệp FDI đánh giá cao nỗ lực của ngành BHXH nhằm tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với những DN có đông lao động, nhất là lao động nữ thì việc thực hiện cải cách các TTHC, giao dịch điện tử đã giúp cho DN và người lao động tiết kiệm được nhiều thời gian giải quyết thủ tục với ngành BHXH.

theo baohiemxahoi.gov.vn
Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.