“Công đoàn sẽ đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp Luật Bảo hiểm xã hội bắt đầu từ tháng 9/2016”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết trong bối cảnh nợ đọng bảo hiểm ngày càng tăng cao.
Ngày 4/8, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi 8 tháng cuối năm 2015, nợ đọng bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp ở mức hơn 7.000 tỷ đồng thì đến giữa năm 2016, con số này đã tăng lên hơn 14.000 tỷ đồng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ khẩn trương vào cuộc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Theo đó, tổ chức Công đoàn sẽ đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp Luật Bảo hiểm xã hội bắt đầu từ tháng 9/2016. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ chọn một số địa phương trọng điểm như: Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… để tiến hành khởi kiện điểm.
Ông Mai Đức Chính cho biết, Công đoàn sẽ đại diện cho người lao động khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp Luật Bảo hiểm xã hội bắt đầu từ tháng 9/2016
Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cho biết, vừa qua, Quốc hội đã ban hành một số luật, đặc biệt là Bộ luật Tố tụng dân sự, giao trách nhiệm cho tổ chức Công đoàn đại diện cho người lao động khởi kiện hoặc tham gia tố tụng liên quan đến tranh chấp lao động. Đặc biệt, Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực kể từ 1/7/2016 có quy định, tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.
Liên quan về việc giải quyết nợ đọng bảo hiểm xã hội, tháng 4/2016, TANDTC có Công văn số 105 yêu cầu TAND các cấp triển khai một số quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có hiệu lực từ 1/1/2016. Theo đó, Tòa án không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan Bảo hiểm xã hội đòi tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động mà phải là tổ chức công đoàn cơ sở.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả việc khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức chương trình tập huấn hướng dẫn Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Tuy nhiên, trong điều kiện đội ngũ cán bộ liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố còn mỏng, trình độ về pháp luật còn hạn chế nên việc thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp, tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.
Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam các cấp sẽ cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho tổ chức Công đoàn trong việc khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ký Chương trình phối hợp với TANDTC để tổ chức tập huấn cho cán bộ công đoàn các cấp về năng lực, kỹ năng tham gia tố tụng về pháp luật lao động, kỹ năng tham gia phiên tòa xét xử vụ án lao động…
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trong tháng 8/2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức ba đợt tập huấn cho cán bộ công đoàn tại các tỉnh, thành phố ở cả ba vùng, miền để tiến hành các thủ tục khởi kiện. Trước mắt, do trình độ cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở còn hạn chế, lực lượng cán bộ còn mỏng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giao cho cán bộ Ban Thường vụ Lao động các tỉnh, thành phố đứng ra khởi kiện. Nếu tỉnh, thành phố nào thấy Công đoàn cấp trên của địa phương đảm đương được nhiệm vụ có thể giao thực hiện, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ, đặc biệt trong quá trình hội nhập, xứng đáng là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
theo congly.com.vn