(TBTCO) – Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến ngày 30/6, số nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) khoảng 11.900 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương 2.521 tỷ đồng).
Nợ tăng 27% so với cùng kỳ
Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH diễn ra ở nhiều DN và xẩy ra ở tất cả các địa phương làm cho số nợ BHXH, BHYT tiếp tục tăng cao.
Tính đến ngày 30/6, số nợ BHXH, BHYT là 11.900 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ ( tương đương 2.521 tỷ đồng). Cụ thể, nợ bảo BHXH là 9.000 tỷ đồng, trong đó nợ từ 6 tháng trở lên là 3.700 tỷ đồng; nợ BHYT là 2.900 tỷ đồng.
Sản xuất kinh doanh gặp khó khăn cũng là nguyên nhân khiến nợ BHXH tăng. Ảnh có tính chất minh họa |
10 địa phương có tỷ lệ nợ cao so với tỷ lệ chung toàn ngành là: Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Trị, Hòa Bình, Đắc Nông, Thái Nguyên, Cà Mau, Thanh Hóa, Phú Thọ, Lạng Sơn.
Nguyên nhân của tình trạng nợ cao, theo BHXH Việt Nam chủ yếu là do hoạt động của các DN gặp nhiều khó khăn, số DN giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, công tác thanh tra, xử lý vi phạm đối với các đơn vị sử dụng lao động còn bất cập; công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ở một số địa phương còn hạn chế.
Tiến độ tiến hành các cuộc kiểm tra theo kế hoạch còn chậm, số đơn vị được kiểm tra tính đến hết tháng 5/2014 mới đạt 33,36% so với chỉ tiêu kế hoạch năm.
Việc ban hành các kết luận kiểm tra tại nhiều địa phương còn chậm, số đơn vị được kiểm tra đã có kết luận là 3.442 đơn vị, bằng 76,27% số đơn vị đã tiến hành kiểm tra. Công tác phối hợp thực hiện xử phạt sau thanh tra, kiểm tra đối với những hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT của đơn vị, cá nhân còn hạn chế.
Đặc biệt, công tác khởi kiện và thi hành bản án của Tòa án đạt hiệu quả chưa cao. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến thời điểm hiện nay, 52 trong số 63 cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố đã thực hiện khởi kiện 1.451 đơn vị nợ đọng bảo hiểm nhưng số tiền thu hồi chỉ đạt hơn 126 tỷ đồng.
Đẩy mạnh thanh, kiểm tra các đơn vị nợ đọng BHXH
Để hoàn thành kế hoạch đề ra và giảm tình trạng chậm đóng, nợ BHXH, lãnh đạo BHXH Việt Nam nhấn mạnh, BHXH các tỉnh, thành phố cần tập trung kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết chế độ BHXH và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh; đẩy mạnh tiến độ thanh tra, kiểm tra, khởi kiện ra tòa đối với các đơn vị nợ đọng BHXH.
Ngành BHXH cần thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt “đòi nợ” tiền BHXH, đối với những DN chây ỳ, nợ đọng BHXH kéo dài cần có chế tài xử phạt nghiêm, thậm chí yêu cầu tạm ngừng hoạt động. Với những tổ thu BHXH không thực hiện các thủ tục cần thiết để thu hồi nợ BHXH cũng cần có chế tài xử lý…
Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở; Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT cho cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; đồng thời nhắc nhở, phê bình các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng…/.