Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đến hết tháng 8 năm nay, tổng số nợ bảo hiểm xã hội lên tới gần 8.000 tỷ đồng.
Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ảnh minh họa: Đăng Khoa.
Trước mắt, BHXH Việt Nam có thể sẽ công khai các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị thành lập tổ thu nợ BHXH của BHXH các tỉnh, thành phố hoặc tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập tổ thu nợ BHXH với cơ chế có thưởng, phối hợp với các cơ quan ban ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt hành chính và khởi kiện các đơn vị có số nợ lớn, thời gian kéo dài.
Được biết, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt hơn 11 triệu người.
Đại diện của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhấn mạnh, số người tham gia BHXH còn thấp so với thực tế, bởi theo tính toán, nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc có thể lên tới 15-16 triệu người. Tình hình trốn đóng, nợ đọng BHXH còn phổ biến ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về xử lý tiền nợ BHXH tồn đọng kéo dài, không còn khả năng trả nợ, của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn để kịp thời giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động. Hiện có hơn 54 nghìn doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản, ảnh hưởng tới quyền lợi của khoảng 714 nghìn người lao động và chưa có giải pháp bảo đảm quyền lợi, chính sách cho người lao động.
Từ đó, ông Sinh cũng kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia BHXH, có chính sách hỗ trợ kinh phí đóng BHXH tự nguyện, bảo đảm tính khả thi, ổn định của chính sách và cân đối quỹ BHXH, bổ sung vào Bộ luật Hình sự tội trốn đóng BHXH, tội chiếm dụng tiền BHXH của người lao động đối với trường hợp trích tiền đóng BHXH của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH trong thời gian dài, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục vi phạm.
Phát biểu tại hội nghị, GS-TS Vương Đình Huệ, Uỷ viên TƯ Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong gần 30 năm Đổi mới, cùng với chính sách phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chú ý lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHXH. Những hạn chế, yếu kém trong công tác BHXH được nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị còn phải được tiếp tục quan tâm, có chủ trương và giải pháp để khắc phục là: Diện bao phủ BHXH còn thấp, quản lý nhà nước về BHXH chưa đáp ứng được yêu cầu, việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH còn thiếu sót, tình trạng doanh nghiệp nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội còn nhiều, Quản lý và sử dụng quỹ BHXH chưa chặt chẽ. Quỹ BHXH, nhất là quỹ hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tình trạng người lao động lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp xảy ra khá phổ biến. Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, nhiệm vụ cải thiện các chỉ số an sinh xã hội thông qua việc hoàn thiện chính sách BHXH có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì vậy, định hướng và giải pháp phát triển BHXH luôn là vấn đề được quan tâm sâu sắc không chỉ đối với Đảng, Nhà nước, mà còn liên quan đến mọi công dân, thu hút sự chú ý của toàn xã hội.
Bảo Hiểm Bảo Việt (theo nhandan.com.vn)