Nợ bảo hiểm xã hội bị phạt gấp 3 lần lãi suất

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, các chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng lương cũng bắt buộc phải đóng bảo hiểm.

Tại hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi tổ chức ngày 4 và 5/6, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, bà Trần Thị Thúy Nga đề xuất, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội bị phạt gấp 3 lần lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội hoặc gấp 2 lần lãi liên ngân hàng.

Bà Nga cho rằng hiện, lãi suất doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội phải trả thấp nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp chậm trả hoặc nợ để lấy vốn kinh doanh, khiến người lao động không được hưởng các chế độ đầy đủ. Hiện nay, mức phạt tối đa đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội là 30 triệu đồng nên nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp “xin được nộp phạt” để tiếp tục nợ.


Dự thảo mới sẽ đề xuất chế tài xử phạt nặng hơn đối với doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm. Ảnh: Hoàng Hà

Về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, bà Nga cho biết, dự thảo sẽ bỏ một chương về bảo hiểm thất nghiệp, gộp và bổ sung một số điều cho phù hợp. Sau khi chỉnh lý, kết cấu còn 10 chương, 120 điều thay vì 11 chương, 141 điều như luật hiện hành.

Tại hội thảo, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thừa nhận còn khoảng 30% số người thuộc diện phải tham gia bảo hiểm bắt buộc nhưng vẫn không được đóng. Bảo hiểm xã hội tự nguyện tuy tăng về số người tham gia nhưng thực tế chỉ chiếm 0,02% số lao động thuộc diện này.

Để tăng độ phủ, Vụ trưởng Bảo hiểm Xã hội cho biết sẽ có thêm nhiều đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được đưa vào dự thảo. Cụ thể, chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng lương cũng bắt buộc phải tham gia. Ở bảo hiểm xã hội tự nguyện, dự thảo sẽ không khống chế tuổi tối đa được tham gia như trước đây. Bên cạnh đó, dự kiến những doanh nghiệp có sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động cũng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội. 

Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động cho rằng bên cạnh các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, việc cần thiết là phải đưa ra các chế tài mạnh mẽ để các đối tượng cũ tuân thủ đóng đầy đủ. 

Việc nợ, chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội khiến cho hàng trăm ngàn lao động bị mất trắng quyền lợi. Tính đến cuối năm 2011 số tiền nợ đọng này là 6.400 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên 7.000 tỷ đồng trong năm 2012. Theo ông Chính, hiện còn khoảng 7 triệu lao động thuộc diện bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội nhưng không tham gia. 

Một số chuyên gia tại hội thảo cũng góp ý dự thảo nên sửa đổi quy định về mức lương làm căn cứ đóng. Theo đó, nên quy định lương đóng bảo hiểm dựa trên công việc hoặc chức danh có kèm phụ cấp và các khoản bổ sung khác như quy định của Luật Lao động thay vì mức tối thiểu nhân với hệ số như hiện tại.

Việc sửa đổi cách tính nhằm tránh tình trạng thu nhập khi về hưu của người lao động bị giảm nghiêm trọng. Trước đó, tại một cuộc hội thảo gần đây về lương tối thiểu, đại diện Tổ chức liên minh chống nghèo đói (Oxfam) cho biết, trong tương lai, những người hưởng lương hưu ở Việt Nam đang phải sống một cuộc sống nghèo khổ. Và sẽ có ít nhất 9,4 triệu lao động đang đóng bảo hiểm xã hội sẽ tham gia vào một lớp người nghèo mới khi họ nghỉ hưu.

Theo kế hoạch, dự thảo sẽ tiếp tục được lấy ý kiến tại TP HCM vào ngày 6/6 để sớm hoàn thiện trình Chính phủ.  Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vào cuối năm nay.

Theo Tổng liên đoàn Lao động, số người tham gia bảo hiểm xã hội hiện nay gần 11 triệu người là số lao động mà các đơn vị, doanh nghiệp tự đăng ký và đóng. Số đối tượng thuộc diện phải tham gia bắt buộc là bao nhiêu thì các cơ quan chưa  thống kê được. Báo cáo kết quả điều tra tình hình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2012 của Bộ Lao động thì số người tham gia chiếm trên 95% số lao động thuộc diện tham gia bắt buộc. Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Tổng liên đoàn, tỷ lệ này chỉ đạt 67-70%. 

Ngọc Minh

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.