Câu hỏi 6. Có thể thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân, công ty bảo hiểm TNHH hay không? Tại sao?
Trả lời: Không, vì mô hình tổ chức và hoạt động của DN này không phù hợp với hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Điều 59 Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:
– Doanh nghiệp bảo hiểm nhà nước;
– Công ty cổ phần bảo hiểm;
– Tổ chức bảo hiểm tương hỗ;
– Doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh;
– Doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Bảo hiểm là hoạt động kinh doanh đặc thù, có độ nhạy cảm cao, có nghĩa vụ bồi thường về tài chính lớn nên để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng Nhà nước không cho phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tư nhân và doanh nghiệp bảo hiểm trách nhiệm hữu hạn.
Tuy nhiên theo thông lệ quốc tế, một số doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh và 100% vốn nước ngoài vẫn mang tên Công ty TNHH bảo hiểm X
Câu hỏi 7. Các DNBH được hoạt động theo các nội dung lĩnh vực gì để hỗ trợ cho kinh doanh bảo hiểm đồng thời mang lại nhiều tiện ích, lợi ích cho khách hàng?
Trả lời: Các DNBH ngoài việc hoạt động kinh doanh bảo hiểm còn có các hoạt động khác liên quan hỗ trợ đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Điều 60 Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định:
“1. Nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:
a) Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm;
b) Đề phòng, hạn chế rủi ro, tổn thất;
c) Giám định tổn thất;
d) Đại lý giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn;
đ) Quản lý quỹ và đầu tư vốn;
e) Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đồng thời kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, trừ trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ.”
Ngoài kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, những nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm tốt hơn, giải quyết bồi thường kịp thời đầy đủ cũng như đầu tư vốn nhàn rỗi từ quỹ bảo hiểm góp phần sinh lời trả thêm bảo tức cho khách hàng.
Câu hỏi 8. Để đảm bảo lợi ích khách hàng việc thành lập DNBH cần có những điều kiện gì thể hiện năng lực kinh doanh BH mới được cấp giấy phép hoạt động?
Trả lời: Điều 63 Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định:
“1. Có số vốn điều lệ đã góp không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ;
2. Có hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Điều 64 của Luật này;
3. Có loại hình doanh nghiệp và điều lệ phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;
4. Người quản trị, người điều hành có năng lực quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ về bảo hiểm.”
Những điều kiện trên đảm bảo cho các doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép hoạt động tại Việt Nam có đầy đủ năng lực thực hiện các cam kết bảo hiểm cho khách hàng.
Điều 6 Nghị định 45 cũng quy định:
“1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài góp vốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Không thuộc các đối tượng bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật Doanh nghiệp;
b) Các điều kiện theo quy định tại Điều 63 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
2. Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đầu tư thành lập doanh nghiệp bảo hiểm 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh giữa doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong lĩnh vực dự kiến tiến hành tại Việt Nam;
b) Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động hợp pháp ít nhất 10 năm theo quy định của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính tính tới thời điểm nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép;
c) Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có tổng tài sản tối thiểu tương đương 2 tỷ đô la Mỹ vào năm trước năm nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép;
d) Doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không vi phạm nghiêm trọng các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật khác của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong vòng 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ xin cấp Giấy phép…..”
Như vậy, điều kiện về vốn pháp định, tiềm năng tài chính, kinh nghiệm kinh doanh bảo hiểm, năng lực quản lý điều hành là những điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo rằng nếu được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm phát triển tốt và luôn đảm bảo quyền và lợi ích khách hàng.
Câu hỏi 9. Cơ quan nào có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Nhà nước và khách hàng về việc cấp giấy phép thành lập DNBH?
Trả lời: Điều 62 Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy địnhThẩm quyền cấp giấy phép thành lập và hoạt động:
“1. Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho doanh nghiệp bảo hiểm phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch định hướng phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường tài chính của Việt Nam.”
Câu hỏi 10. Trong quá trình hoạt động DNBH có một số thay đổi. Những thay đổi nào cần trình cơ quan quản lý để được chấp thuận nhằm đảm bảo và duy trì được quyền và lợi ích khách hàng?
Trả lời: Điều 69 Luật Kinh doanh Bảo hiểm quy định:
“1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản khi thay đổi một trong những nội dung sau đây:
a) Tên doanh nghiệp;
b) Vốn điều lệ;
c) Mở hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện;
d) Địa điểm đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện;
đ) Nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động;
e) Chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp chiếm 10% số vốn điều lệ trở lên;
g) Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc);
h) Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp.
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Bộ Tài chính chấp thuận việc thay đổi theo quy định tại khoản 1 Điều này, doanh nghiệp bảo hiểm phải công bố các nội dung thay đổi đã được chấp thuận theo quy định của pháp luật”.
Những thay đổi trên nếu ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm khác tất nhiên sẽ không được Bộ Tài chính chấp thuận.
Câu hỏi 11. DNBH muốn mở Chi nhánh, VPĐD phải đáp ứng đủ điều kiện gì? Tại sao phải có điều kiện này?
Trả lời: Điều 11 NĐ 45 quy định:
“1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm muốn mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Vốn điều lệ thực có phải đảm bảo theo quy định của Bộ Tài chính;
b) Bộ máy quản trị, điều hành và hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ hoạt động có hiệu quả;
c) Không vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong 3 năm liên tục ngay trước năm nộp hồ sơ. Doanh nghiệp bảo hiểm không vi phạm quy định về khả năng thanh toán;
d) Có Quy chế tổ chức và hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện;
đ) Người điều hành Chi nhánh, Văn phòng đại diện có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và không thuộc các đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật;
e) Có hồ sơ xin mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện theo quy định tại khoản 2 Điều này.”
Những điều kiện trên đảm bảo tiền đề cần thiết cho Chi nhánh, VPĐD có thể hoạt động, phục vụ khách hàng và đảm bảo quyền, lợi ích cho khách hàng tốt hơn.
Câu hỏi 12. Để đảm bảo rằng việc mở Chi nhánh, VPĐD của DNBH hướng tới phục vụ khách hàng và bảo vệ quyền, lợi ích khách hàng tốt hơn thì hồ sơ xin mở Chi nhánh, VPĐD được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 11 Nghị định 45 quy định
“Hồ sơ xin mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện bao gồm:
a) Đơn xin mở Chi nhánh, Văn phòng đại diện có chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp, trong đó trình bày tóm tắt sự cần thiết, tên gọi, địa điểm, nội dung, phạm vi hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện;
b) Phương án hoạt động 3 năm đầu của Chi nhánh, Văn phòng đại diện trong đó nêu rõ nhu cầu khách hàng; dự báo thị trường; nội dung, phạm vi hoạt động, các sản phẩm bảo hiểm dự kiến kinh doanh; dự kiến kết quả kinh doanh; tổ chức bộ máy, nhân sự; địa điểm đặt Chi nhánh, Văn phòng đại diện và cơ sở vật chất kỹ thuật;
c) Giấy tờ hợp lệ chứng minh doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính phải trả lời bằng văn bản về việc chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trong trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích lý do.”
Bộ Tài chính là người thẩm định tính chính xác đúng đắn của hồ sơ trên để cấp phép thành lập thêm Chi nhánh, VPĐD cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Câu hỏi 13. Người đứng đầu DNBH cần đạt tiêu chuẩn gì? Tại sao phải đề ra tiêu chuẩn này
Trả lời: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm đòi hỏi người quản lý điều hành DNBH phải có khả năng trình độ quản lý tốt. Theo điều 13 Nghị định 45 quy định:
“1. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải là người có trình độ chuyên môn, năng lực quản trị, điều hành doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Tổng giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.
2. Việc bổ nhiệm, thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải có sự chấp thuận của Bộ Tài chính.
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị và hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, Bộ Tài chính phải Trả lời doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm về việc chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận. Trong trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính phải có văn bản giải thích lý do.
4. Bộ Tài chính quy định tiêu chuẩn và điều kiện đối với các chức danh quản lý khác trong doanh nghiệp bảo hiểm.”
Quy định về năng lực chuyên môn và năng lực về quản lý điều hành của người đứng đầu doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đảm bảo duy trì phát triển doanh nghiệp bảo hiểm mà họ được giao quyền lãnh đạo từ đó đảm bảo quyền và lợi ích khách hàng.
Bảo Hiểm Bảo Việt