Câu hỏi 26. Tại sao khách hàng phải mua bảo hiểm đối với một số loại bảo hiểm bắt buộc và Bảo hiểm bắt buộc được áp dụng trong trường hợp nào?
Trả lời
Điều 8 Luât KD BH quy định:
“1. Bảo hiểm bắt buộc là loại bảo hiểm do pháp luật quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu mà tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ thực hiện.
Bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội.
2. Bảo hiểm bắt buộc bao gồm:
a) Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách;
b) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật;
c) Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;
d) Bảo hiểm cháy, nổ.
3. Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định loại bảo hiểm bắt buộc khác.”
Điều 5 NĐ 45 quy định:
“1. Doanh nghiệp bảo hiểm được kinh doanh bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán bảo hiểm bắt buộc.
2. Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng thực hiện bảo hiểm bắt buộc có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm bắt buộc.”
Việc mua bảo hiểm bắt buộc được quy định theo pháp luật hiện hành, là công dân chung ta phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Đồng thời mua bảo hiểm bắt buộc chúng ta góp phần bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội.
Câu hỏi 27. Đề nghị cho biết bảo hiểm Phi nhân thọ bao gồm các loại nghiệp vụ gì?
Trả lời:
Bảo hiểm có rất nhiều sản phẩm khác nhau, được phân chia thành 11 nhóm nghiệp vụ chính.
Điều 7 Luật KDBH quy định các loại nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ
a) Bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người;
b) Bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại;
c) Bảo hiểm hàng hoá vận chuyển đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường không;
d) Bảo hiểm hàng không;
đ) Bảo hiểm xe cơ giới;
e) Bảo hiểm cháy, nổ;
g) Bảo hiểm thân tầu và trách nhiệm dân sự của chủ tầu;
h) Bảo hiểm trách nhiệm chung;
i) Bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính;
k) Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh;
l) Bảo hiểm nông nghiệp;
m) Các nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ khác do Chính phủ quy định.
…”
Câu hỏi 28. Doanh nghiệp bảo hiểm có được phép tự do đưa sản phẩm bảo hiểm của mình bán cho khách hàng được không và Sản phẩm bảo hiểm của DNBH trước khi bán ra thị trường cần điều kiện gì?
Trả lời:
Các sản phẩm bảo hiểm trước khi bán ra thị trường đều được Bộ Tài chính kiểm duyệt ở 3 mức độ khác nhau.
– Mức độ cao nhất là Bộ Tài chính ban hành sản phẩm bảo hiểm bắt buộc;
– Mực độ thứ hai, Bộ Tài chính phê duyệt sản phẩm bảo hiểm do DNBH trình;
– Mức độ thứ ba, DNBH đăng ký với Bộ Tài chính sản phẩm của mình;
Theo quy định tại Điều 4 NĐ 45:
“…3. Các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được kinh doanh các loại sản phẩm bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm quy định trong Giấy phép thành lập và hoạt động và phải đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực tài chính, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ nghiệp vụ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.”
Quy định như trên vì sản phẩm bảo hiểm là một đặc thù, là lời cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra để khách hàng chấp thuận nên cần có sự kiểm soát giám sát của Bộ Tài chính để quy tắc điều khoản, mẫu đơn từ hợp đồng bảo hiểm được đưa ra rõ ràng minh bạch và hướng tới mục tiêu phục vụ khách hàng, thực hiện đúng cam kết đưa ra.
Câu hỏi 29. Loại sản phẩm bảo hiểm nào cần được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi bán ra thị trường để kiểm soát sản phẩm, tạo ra sự tin tưởng với khách hàng tránh dùng những câu chữ khó hiểu để lừa dối khách hàng?
Trả lời:
Các loại sản phẩm bảo hiểm Nhân thọ và bảo hiểm mang tính sức khỏe con người cần được BTC phê duyệt trước khi bán ra thị trường. Điều 20 NĐ 45 quy định:
“2. Đối với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tai nạn con người bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm được Bộ Tài chính phê chuẩn”.
Những sản phẩm bảo hiểm liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, tai nạn, bảo hiểm nhân thọ có những đặc thù trong việc tính phí bảo hiểm và tính lãi, đồng thời liên quan đến cộng đồng xã hội nhất là đối tượng đa dạng đủ mọi tầng lớp, đối tượng, độ tuổi tham gia bảo hiểm nên cần được quản lý chặt chẽ.
Thường là các DNBH có buổi giải trình và bảo vệ sản phẩm bảo hiểm để được Bộ Tài chính phê duyệt. Đây là sự kiểm soát trước rất cần thiết để đảm bảo quyền, lợi ích cho khách hàng vì vậy có thể khẳng định các sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê duyệt thì không thể dùng câu chữ để lừa dối khách hàng.
Câu hỏi 30. Việc ban hành quy tắc điều khoản bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định như thế nào để không gây phức tạp khó hiểu cho khách hàng?
Trả lời:
Các sản phẩm bảo hiểm là các sản phẩm đặc thù mang tính trừu tượng cao về bản chất là rất phức tạp ngay đối với những người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Vì vậy, cần thiết phải có những quy định cụ thể đối với những quy tắc điều khoản biểu phí do doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra để bảo vệ người được bảo hiểm, khách hàng là điều cần thiết. Điều 20 Nghị định 45 quy định chi tiết về vấn đề này như sau:
“1. Bộ Tài chính ban hành các quy tắc, điều khoản bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với từng loại hình bảo hiểm bắt buộc.
2. Đối với các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn con người bổ trợ cho bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm được Bộ Tài chính phê chuẩn.
3. Đối với các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được phép chủ động xây dựng và triển khai quy tắc, điều khoản và biểu phí bảo hiểm.
4. Quy tắc, điều khoản, biểu phí do doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng phải đảm bảo:
a) Tuân thủ pháp luật; phù hợp với thông lệ, chuẩn mực đạo đức, văn hoá và phong tục, tập quán của Việt Nam;
b) Ngôn ngữ sử dụng trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm phải chính xác, cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu. Đối với thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ nội dung, thì phải định nghĩa rõ trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm;
c) Thể hiện rõ ràng, minh bạch quyền lợi có thể được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, phạm vi và các rủi ro được bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, phương thức trả tiền bảo hiểm, các quy định giải quyết tranh chấp;
d) Phí bảo hiểm phải được xây dựng dựa trên số liệu thống kê, đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và phải tương ứng với điều kiện và trách nhiệm bảo hiểm.”
Câu hỏi 31. DNBH có thể bán bảo hiểm bằn cách nào để tạo tiện lợi cho khách hàng?
Trả lời:
DNBH chỉ được bán các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc khi được phép của Bộ Tài chính, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ bảo hiểm tính mạng sức khỏe con người đã được Bộ Tài chính phê duyệt cho sản phẩm đó và sản phẩm bảo hiểm tài sản, trách nhiệm đã đăng ký theo phạm vi hoạt động ghi trong Giấy phép Kinh doanh của DNBH. Theo Điều 17 NĐ 45 quy định chi tiết
“..2. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được mời chào khách hàng tham gia bảo hiểm theo nội dung, phạm vi hoạt động quy định trong Giấy phép thành lập và hoạt động của mình.
3. Doanh nghiệp bảo hiểm không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.”
Ngoài ra DNBH còn được phép sử dụng kênh trung gian phân phối sản phẩm bảo hiểm: môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm để bán sản phẩm. Điều 18 NĐ 45 quy định:
“1. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể ủy quyền cho đại lý bảo hiểm bán sản phẩm bảo hiểm.
2. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hướng dẫn, tư vấn cho khách hàng tham gia bảo hiểm theo yêu cầu của khách hàng.
3. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm có nghĩa vụ:
a) Giải thích trung thực các thông tin về sản phẩm bảo hiểm để bên mua bảo hiểm hiểu rõ sản phẩm bảo hiểm dự định mua;
b) Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm.
4. Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm không được tác động để bên mua bảo hiểm cung cấp sai lệch hoặc không cung cấp các thông tin cần thiết cho doanh nghiệp bảo hiểm.”
Như vậy ngoài cán bộ của doanh nghiệp bảo hiểm có công ty môi giới bảo hiểm và đại lý bảo hiểm được phép bán sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm đã trình, đã đăng ký hoặc đã được phê duyệt của Bộ Tài chính. Họ có trách nhiệm hướng dẫn và tư vấn cho khách hàng để lựa chọn sản phẩm bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có lợi nhất. Đồng thời khách hàng có nghĩa vụ cung cấp thông tin cần thiết trung thực cho doanh nghiệp bảo hiểm để tính giá rủi ro xem xét có chấp nhận bảo hiểm hay không và đánh giá mức phí bảo hiểm tương xứng.
Câu hỏi 32. Khách hàng có nhận được hoa hồng bảo hiểm không?
Trả lời:
Hoa hồng bảo hiểm được chi trả cho đại lý bảo hiểm và môi giới bảo hiểm, người có công trong khâu phân phối sản phẩm bảo hiểm đến tận tay người tham gia bảo hiểm. Hoa hồng được trả để đại lý bảo hiểm và môi giới bảo hiểm bù đắp cho các chi phí đã bỏ ra trong khâu khai thác, bán sản phẩm bảo hiểm và trả công cho chính họ. Điều 22 NĐ 45 quy định:
“1. Các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được chi trả hoa hồng bảo hiểm từ phần phí bảo hiểm thu được theo tỷ lệ hoa hồng bảo hiểm không vượt quá tỷ lệ hoa hồng do Bộ Tài chính quy định.
2. Đối tượng được hưởng hoa hồng bảo hiểm bao gồm:
a) Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;
b) Đại lý bảo hiểm.
3. Không được chi trả hoa hồng bảo hiểm cho các đối tượng sau:
a) Tổ chức, cá nhân không được phép hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động môi giới bảo hiểm tại Việt Nam;
b) Bên mua bảo hiểm, trừ trường hợp đại lý bảo hiểm mua bảo hiểm nhân thọ cho chính mình;
c) Cán bộ, nhân viên của chính doanh nghiệp bảo hiểm.”
Như vậy, khách hàng không được nhận hoa hồng bảo hiểm phi nhân thọ khi mua bảo hiểm cho chính cá nhân hoặc doanh nghiệp của mình.
Câu hỏi 33. Quy định về các DNBH có thể nhượng, nhận tái bảo hiểm với các DNBH khác để cùng san sẻ rủi ro cho nhau như thế nào? Để đảm bảo quyền và lợi ích khách hàng?
Trả lời:
Để đảm bảo an toàn, các DNBH cần tính toán khả năng tài chính của mình để quyết định chia sẻ rủi ro đã nhận bảo hiểm của mình cho DNBH khác hoặc DN chuyên nhận nhượng tái bảo hiểm. Ngược lại các DNBH củng cố quyền nhận tái bảo hiểm do các DNBH chuyển nhượng rủi ro họ đã nhận bảo hiểm. Điều 23 NĐ 45 quy định
“Doanh nghiệp bảo hiểm có thể chuyển một phần trách nhiệm đã nhận bảo hiểm cho một hoặc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhưng không được nhượng toàn bộ trách nhiệm bảo hiểm đã nhận trong một hợp đồng bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm khác để hưởng hoa hồng tái bảo hiểm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.”
Điều 24 NĐ 45 quy định cụ thể hơn về quyền nhận tái bảo hiểm của các DNBH như sau:
“Doanh nghiệp bảo hiểm có thể nhận tái bảo hiểm trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm khác đã nhận bảo hiểm. Khi nhận tái bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải đánh giá rủi ro để bảo đảm phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp.”
Tái bảo hiểm cho phép doanh nghiệp bảo hiểm có thể chấp nhận bảo hiểm tài sản hoặc bảo hiểm trách nhiệm với số tiền bảo hiểm lớn hơn khả năng tài chính của mình bằng cách chia sẻ rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm I. Khách hàng không có liên quan gì đến doanh nghiệp bảo hiểm nhận tái bảo hiểm. Tái bảo hiểm chỉ là sự chia sẻ rủi ro và trách nhiệm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau.
Câu hỏi 34. Sau khi nhận bảo hiểm, DNBH tái bảo hiểm cho các DNBH khác có ảnh hưởng gì đến quyền lợi nghĩa vụ của khách hàng mua bảo hiểm không?
Trả lời:
Điều kiện và cách thức bồi thường được cam kết hợp đồng bảo hiểm là trách nhiệm của DNBH đã nhận bảo hiểm. Việc tái bảo hiểm như thế nào, có đòi được công ty nhận tái bảo hiểm bồi thường hay không là việc riêng của DNBH. Dù thế nào đi nữa, DNBH là người chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất thuộc rủi ro được bảo hiểm gây ra cho người tham gia bảo hiểm. Điều 27 Luật KDBH quy định rõ
“1. Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm duy nhất đối với bên mua bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm, kể cả trong trường hợp tái bảo hiểm những trách nhiệm đã nhận bảo hiểm.
2. Doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm không được yêu cầu bên mua bảo hiểm trực tiếp đóng phí bảo hiểm cho mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
3. Bên mua bảo hiểm không được yêu cầu doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.”
Tuy nhiên, nếu tái bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm có khả năng tài chính yếu khi tổn thất lớn xảy ra, doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm có thể phá sản sẽ làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm này vẫn phải có nghĩa vụ bồi thường đầy đủ cho khách hàng. Vì vậy, Bộ Tài chính có quy định rõ ràng chỉ tái bảo hiểm cho công ty bảo hiểm nước ngoài đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ BBB trở lên theo xếp hạng quốc tế.
Bảo Hiểm Bảo Việt