Những loại thuốc chữa ung thư nào được bảo hiểm y tế thanh toán?

Hàng triệu bệnh nhân nghèo mắc bệnh nan y chấp nhận từ bỏ điều trị hoặc nằm chờ chết vì gánh nặng giá thuốc. Nỗi lo này đã được giải tỏa khi Bộ Y tế quyết định loại bỏ những thuốc hiệu quả điều trị không rõ ràng để thay thế bằng những loại thuốc đặc trị.

Khi hay tin bố mình mắc bệnh u mô đệm đường tiêu hóa, phải điều trị dài ngày nhưng chỉ riêng tiền thuốc Imatinib để trị bệnh đã ngốn hơn 50 triệu đồng/tháng, anh Nguyễn Văn Hải, 43 tuổi ở TPHCM choáng váng. Tưởng như không bám trụ nổi với giá thuốc quá cao nhưng khi được bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, cơ quan bảo hiểm y tế đã đồng ý thanh toán 50% chi phí điều trị thuốc này, anh Hải vơi bớt nỗi lo.“Giảm đi một nửa số tiền anh em chúng tôi hy vọng sẽ chạy vạy được”- anh Hải chia sẻ. Nhiều bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy phải dùng thuốc Nilotinib điều trị với chi phí khoảng 80 triệu đồng/tháng tại Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM cũng bớt đi gánh nặng khi bảo hiểm cũng đồng ý thanh toán 50% dù thuốc này không nằm trong danh mục chi trả.

Bà Hoàng Thị Thơ, 47 tuổi ở Bình Dương mắc bệnh này cho biết, bà được bảo hiểm chi trả tiền thuốc này vì đã tham gia liên tục bảo hiểm y tế trong 3 năm nay.

Trao đổi với PV Tiền Phong hôm 26/6, bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế – Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã 3 lần ban hành và bổ sung vào danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế, với gần một nghìn hoạt chất thuốc tân dược và hàng trăm thuốc y học cổ truyền.

Hiện có 57 hoạt chất và thuốc điều trị ung thư, 113 loại thuốc điều trị tim mạch, 16 hoạt chất điều trị tiểu đường có trong danh mục. Đặc biệt, những thuốc chi phí điều trị rất lớn vẫn đang được Quỹ bảo hiểm chi trả.

“Thuốc điều trị ung thư gan Sorafenib chi phí lên đến 118 triệu đồng/tháng, trong khi thuốc Elotinib điều trị ung thư phổi, chi phí khoảng 40 triệu đồng/tháng hay Gefitinib điều trị ung thư phổi, chi phí khoảng 36 triệu đồng/tháng… vẫn được bảo hiểm thanh toán. Người nghèo mắc các bệnh trên sẽ trở thành gánh nặng thật sự nếu quỹ bảo hiểm y tế đứng ngoài cuộc”- bà Hương cho hay.

Báo cáo từ Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có khoảng 62 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ gần 69%. Vẫn còn trên 30% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế nhưng luật mới quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình…

Bà Tống Thị Song Hương nói, Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi và bổ sung danh mục thuốc bảo hiểm y tế để tiếp tục cập nhật thêm thuốc mới cần thiết trên cơ sở xem xét chi phí và hiệu quả.

Tuy nhiên, theo bà Hương, với mức phí đóng bảo hiểm y tế hiện nay còn thấp so với mức hưởng bảo hiểm y tế, việc bổ sung thuốc mới, thuốc có chi phí điều trị lớn như thuốc ung thư cần phải xem xét, cân nhắc để vừa giảm tải gánh nặng tài chính cho người bệnh, nhưng cũng bảo đảm khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.

Bác sĩ Lê Hoàng Minh – Giám đốc BV Ung bướu TPHCM cho biết, nếu như bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng di căn và ung thư tế bào vẩy vùng đầu cổ, chỉ riêng tiền thuốc Cetuximad để truyền tĩnh mạch, bệnh nhân phải trả ít nhất 600 triệu đồng cho một liệu trình điều trị 8 tuần.

Còn với thuốc Transtuzumab điều trị ung thư vú giai đoạn sớm hoặc ung thư dạ dày giai đoạn di căn cũng ngốn từ 200 đến 800 triệu đồng/năm tùy theo liệu trình.

Theo Tiền phong

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.