Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm cổ đông chiến lược và tăng vốn điều lệ, kế hoạch đã được cổ đông thông qua trong năm 2014 là BIC sẽ cùng với BIDV và MetLife nhanh chóng đưa Liên doanh Bảo hiểm Nhân thọ BIDV Metlife đi vào hoạt động.
Không chỉ BIDV, Vietcombank hay Vietinbank lấn sân sâu hơn sang bảo hiểm, một số nhà băng khác cũng đã bày tỏ mong muốn này. ĐHCĐ của Ngân hàng SCB vừa qua đã thông qua phương án thành lập hoặc mua mới một công ty bảo hiểm. Theo đó, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, SCB sẽ tiến hành thành lập/mua mới một công ty bảo hiểm, với tỷ lệ góp vốn tối thiểu 51%, nhằm tham gia vào công tác quản trị, điều hành và định hướng hoạt động của công ty phù hợp với chiến lược phát triển, từng bước đa dạng hóa loại hình hoạt động và tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Một nhà băng khác là MB cũng đã bày tỏ ý định thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ. Tất nhiên, từ lúc kế hoạch được cổ đông thông qua đến khi các nhà băng này chính thức ra mắt công ty bảo hiểm sẽ phải mất một thời gian, nhanh nhất cũng phải 2 năm.
Bên cạnh động thái của các ngân hàng, theo nguồn tin riêng của ĐTCK, các văn phòng đại diện của các công ty bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động tại Việt Nam cũng rất tích cực để chuyển đổi mô hình chính thức gia nhập thị trường này. Cụ thể, Shin Kong Life có thể sẽ nộp hồ sơ thành lập công ty bảo hiểm trong năm nay. Nashan Life có kế hoạch này vào năm 2016. Trong khi đó, Samsung Life của Hàn Quốc cũng có chủ trương nộp đơn xin thành lập công ty bảo hiểm tại Việt Nam ngay trong năm 2014, nhưng vì một vài lý do khách quan về việc thay đổi nhân sự bên Tập đoàn, nên kế hoạch này có thể bị chậm lại. Sumitomo Life, trước đó đã mua lại phần vốn của HSBC trong Tập đoàn Bảo Việt. Duy chỉ có một văn phòng đại diện của một hãng bảo hiểm đến từ Đài Loan là vẫn còn khá im ắng.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam dù vừa trải qua một giai đoạn khó khăn và nội tại vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng vẫn là thị trường có nhiều hấp lực không chỉ với các hãng bảo hiểm nước ngoài mà kể cả các tập đoàn tài chính trong nước. Báo cáo mới nhất từ Ernst & Young (EY) về “Sự chuyển dịch của ngành bảo hiểm tại các thị trường mới nổi” cho thấy, Việt Nam vẫn đang là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh có nhiều triển vọng nhất. Sự tăng trưởng thu nhập và phí bảo hiểm đã giúp cho Việt Nam lọt vào Top 2 thị trường thu hút các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.
Báo cáo này cũng cho rằng, ở nhiều nền kinh tế mới nổi, toàn cầu hóa nhanh chóng phá vỡ nhiều rào cản văn hóa nhằm tăng trưởng ngành bảo hiểm. Một ví dụ điển hình là việc mở rộng tầng lớp trung lưu và các thành viên gia đình từng ở nhà để chăm sóc con cái và người cao tuổi đang bước vào lực lượng lao động và không còn có thể chăm sóc gia đình nhiều như trước. Kết quả là, doanh số bán hàng của sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và khuyết tật dài hạn đang leo thang đáng kể tại các quốc gia này. Xu hướng này giúp giải thích hiện tượng tăng trưởng thị trường bảo hiểm nhanh ở các quốc gia như Việt Nam, Indonesia hay Saudi Arabia.
Còn theo dự báo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành sẽ đạt 51.632 tỷ đồng, tăng 9,7% so với năm 2013, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 26.380 tỷ đồng, tăng 8%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 25.252 tỷ đồng, tăng khoảng 11,5%… Phát biểu tại lễ ký Biên bản ghi nhớ thành lập Liên doanh Bảo hiểm Nhân thọ BIDV Metlife, đại diện Metlife từng chia sẻ, đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại các thị trường mới nổi là một trong các nền tảng trong sách lược toàn cầu của MetLife và Việt Nam không những là một thị trường mới, năng động, mà còn là một trong các thị trường bảo hiểm nhân thọ có tốc độ phát triển nhanh nhất ở châu Á. Cùng với tham vọng mở rộng hoạt động kinh doanh của mình vào Đông Nam Á, MetLife cam kết mở rộng kinh doanh tại Việt Nam và mong muốn cùng với BIDV hướng tới hoàn thành mục tiêu cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính trọn gói cho khách hàng, đưa hoạt động bảo hiểm trở thành một trong những trụ cột hoạt động của BIDV.