Những cuộc đổi ngôi trong ngành phi nhân thọ

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2013 đã chứng kiến nhiều cuộc đổi thay thứ bậc. Bảo hiểm BIDV (BIC) đã “nhường” vị trí thứ 6 cho Samsung Vina (SVI), Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) mất tới 5 bậc, còn Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng đang cảm nhận rất rõ ràng “hơi thở nóng hổi” của các DN phía sau phả vào gáy mình.

 

 

Từ BIC tụt 1 bậc…

Báo cáo của Ban điều hành BIC tại ĐHCĐ thường niên vừa qua cho thấy, Công ty đã bị tuột mất vị trí thứ 6 trong Top 10 DN bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần lớn nhất thị trường, rớt xuống vị trí thứ 7, với 790,55 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc, thua SVI, DN vừa thế chỗ khoảng 123 tỷ đồng.

Vì sao BIC lại mất vị trí thứ 6? Theo tìm hiểu của ĐTCK, là do năm qua, thị phần bảo hiểm gốc của DN này ước đạt 3,22%, tăng 0,2% so với năm 2012, nhưng chưa đủ sức cạnh tranh với sự tăng trưởng của SVI.

Năm 2013, sự đầu tư lớn của Tập đoàn Samsung vào thị trường Việt Nam đã giúp SVI cải thiện đáng kể về doanh thu, với 1.181 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động bảo hiểm, trong khi con số này năm 2012 là 874 tỷ đồng. Ngoài SVI, một số DN khác, nhất là các DN thuộc Top 5 cũng gia tăng doanh thu từ việc cung cấp bảo hiểm cho tập đoàn này.

Theo ghi nhận từ SVI, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm lâu nay không phải là mục tiêu cao nhất tại DN này. Thực tế, SVI đã từ chối không ít hợp đồng bảo hiểm lớn, mà rủi ro được đánh giá là cao, khó kiểm soát và cuối cùng đã nhường lại cho một số DN bảo hiểm phi nhân thọ khác.

Do quản trị rủi ro tốt, nhiều năm qua, SVI vẫn nằm trong tốp đầu có lãi lớn từ bảo hiểm. Năm 2013, khoản phí bảo hiểm gốc 920 tỷ đồng đã mang về cho SVI khoản lãi 252 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại BIC, theo ghi nhận tại ĐHCĐ mới đây, doanh thu phí bảo hiểm năm 2013 không được DN này tập trung phát triển, thay vào đó là tập trung vào hoạt động hiệu quả, có lãi.

Cùng với việc SVI ‘soán ngôi’ của BIC, theo ông Phạm Trường Giang, Tổng giám đốc PTI, các DN bảo hiểm như SVI, BIC, MIC đang có sự tăng trưởng khá nhanh và theo sát vị trí thứ 5 của PTI trên thị trường. Với mục tiêu giữ vững vị trí thứ 5 về thị phần và vươn lên vị trí cao hơn, đòi hỏi PTI phải tiếp tục mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong thời gian tới.

… đến BSH mất 5 bậc

Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013 của Ban Tổng giám đốc BSH cũng cho biết, năm 2013, Công ty đứng vị trí thứ 19/29 DN, giảm 5 bậc so với năm 2011 và năm 2012. Thị phần của BSH là 0,9%, giảm 0,5% so với năm trước đó.

Lý do mất 5 bậc của BSH cũng là do trong năm 2013 doanh thu sụt giảm đáng kể, sau khi cổ đông Vinacomin thoái vốn.

Một số DN khác cũng cho biết đang sụt giảm thị phần, nhưng vẫn giữ nguyên bậc xếp hạng. Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2013 của Ban giám đốc Tổng CTCP Bảo hiểm Xuân Thành (XTI) cũng thừa nhận, năm 2013, Công ty sụt giảm thị phần, chiếm 0,77% thị phần, thấp hơn so với năm 2012 (chiếm 0,98% thị phần) và nằm trong nhóm DN bảo hiểm phi nhân thọ sụt giảm doanh thu so với năm 2012.

Và bài toán cạnh tranh

Báo cáo tại ĐHCĐ mới đây, ông Phạm Quang Tùng, Chủ tịch HĐQT BIC cho biết, để duy trì mục tiêu tăng trưởng cao hơn bình quân thị trường, nhằm tăng thị phần và tiếp tục có mặt trong Top DN bảo hiểm lớn trong năm 2014, Công ty sẽ phải đầu tư nhiều hơn cho phát triển mạng lưới, điều chưa được chú trọng nhiều trong năm 2013. Riêng công ty mẹ – BIC đặt kế hoạch doanh thu phí bảo hiểm năm 2014 là 1.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,7%.

Được xem là nhân tố mới, Bảo hiểm Quân đội (MIC) kể từ sau khi có sự tham gia của cổ đông MB cách đây 2 năm vẫn được coi là DN cạnh tranh trực tiếp với các DN đứng vị trí thứ 5 đến thứ 7 trên thị trường. Hiện, với sự dồn sức cho hoạt động bán lẻ được bán qua kênh phân phối MB cũng như Quân đội, MIC đang đứng ở vị trí thứ 8 ngay sau BIC, với 588 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2013. Tiếp sau đó là AAA (529 tỷ đồng), GIC (490 tỷ đồng).

PTI cũng cho biết, năm 2014, vẫn với chiến lược đẩy mạnh phát triển và kênh phân phối, Công ty tiếp tục đặt mục tiêu duy trì vị trí thứ 5 thị trường và Top 3 bảo hiểm xe cơ giới, với doanh thu bảo hiểm gốc 1.581 tỷ đồng, tăng trưởng 8%. Còn BSH đặt kế hoạch doanh thu bảo hiểm gốc 570 tỷ đồng.

Lãnh đạo XTI chia sẻ, năm 2014, ngoài việc chủ động hợp tác toàn diện hoặc từng dịch vụ với các công ty bảo hiểm thuộc nhóm dẫn đầu thị trường như Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, PJICO, PTI, thì XTI còn chấp nhận cạnh tranh, giành giật thị phần với các công ty có vị thế tương đương và có cùng mục tiêu kinh doanh như AAA, VASS, Bảo Long, Hàng không.

Theo (ĐTCK)

Bảo Hiểm Bảo Việt

Copyright © Bảo Hiểm Bảo Việt.